10 bị cáo bị đưa ra xét xử tội Giả mạo trong công tác gồm: Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng), Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo), Lê Ngọc Hà (nguyên Phó Hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán), Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển (đều là nguyên cán bộ nhà trường).

Thẩm phán Phạm Năng Thành ngồi ghế chủ tọa, phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày.

Tòa triệu tập 30 người liên quan và 200 người làm chứng. Có 24 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo.

Theo cáo trạng, quá trình tuyển sinh đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo Trường Đại học Đông Đô) nhận thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh văn để dùng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch.

Vì vậy, cựu Chủ tịch HĐQT đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chỉ đạo Ban Giám hiệu, Viện Đào tạo và các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

Cáo buộc cho rằng, từ tháng 4/2018- 3/2019, ông Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Đến nay, CQĐT làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định; 221 trường hợp khác được cấp văn bằng giả xác định được họ tên, tuổi người nhận bằng, nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Bị can Trần Khắc Hùng được xác định là người có vai trò chủ mưu, nhưng đã bỏ trốn. Đến nay, việc truy nã chưa có kết quả nên CQĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trước đó, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội, VKSND Tối cao cho rằng, cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hậu quả những trường hợp đã sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và sử dụng vào những việc khác.

Trong đó, ngoài xử lý việc dùng bằng giả, cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả.

Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị nêu trên thực hiện nghiêm túc và thông báo kết quả xử lý bằng văn bản trước khi kết thúc điều tra, để có căn cứ xử lý vụ án theo quy định của pháp luật.

T.Nhung

Dùng bằng giả, 'tráo thân' để thăng tiến và chuyện bất ngờ té ghế

Dùng bằng giả, 'tráo thân' để thăng tiến và chuyện bất ngờ té ghế

Để đi tắt đến đích, nhiều người đã tìm mọi cách để có trong tay tấm bằng giả, thậm chí ‘tráo thân’ để rồi một ngày bất ngờ bị té ghế.