- Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, các đối tượng huy động được gần 10 tỷ đồng, chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng rồi đóng website và tiếp tục xây dựng website mới để tiếp tục lừa đảo.

{keywords}

Hàng trăm người sập bẫy đa cấp từ sàn giao dịch gold889  

Ngày 5/10, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an cho hay vừa bắt khẩn cấp, khám xét nơi ở và nơi làm việc của Trần Văn Hạnh (SN 1988, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) và Phạm Văn Trường (SN 1987, trú tại Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).

Hạnh bị xác định là người cầm đầu tổ chức, điều hành website gold889.com hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp bằng hình thức cho – nhận tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Ngoài Hạnh và Trường, cơ quan công an còn triệu tập 3 đối tượng khác lên cơ quan điều tra làm việc. 

Theo tài liệu điều tra ban đầu, đầu tháng 8/2016, Hạnh thuê Trường thiết lập ra sàn cho nhận www.gold889.com.

Hình thức hoạt động của sàn gold889 do Hạnh đưa ra cho người chơi như sau: Để được tham gia vào thành viên của trang web, người chơi phải được người chơi trước giới thiệu và phải mua mã PIN với giá 150.000 đồng/PIN. 

Sau đó, người chơi thực hiện quy trình cho - nhận tiền do những đối tượng đứng đầu trang web hướng dẫn. 

Cụ thể, sau khi có mã PIN, hệ thống gold889 sẽ yêu cầu người chơi phải chuyển tiền đến những người chơi khác (tham gia trước đó) với tổng số tiền là 2,6 triệu đồng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho đi 2,6 triệu đồng, người chơi chờ từ 1 đến 9 ngày để được nhận về số tiền 4 triệu đồng.

Số tiền 4 triệu đồng này cũng là tiền của người chơi sau sẽ chuyển vào theo yêu cầu của hệ thống gold889.

Khi giới thiệu được người chơi tham gia, người giới thiệu sẽ được hưởng % hoa hồng từ việc giới thiệu. Trang web này sẽ phát triển đến khi người chơi giảm đi, không còn đủ tiền để chi trả theo cơ chế của hệ thống. Lúc đó, Hạnh sẽ cho sập trang web và người chơi cuối cùng sẽ mất toàn bộ số tiền khi tham gia.

Khoảng đầu tháng 10/2016, trước khi các đối tượng cho sập website gold889 và chuyển sang website mới là new.gold889, các đối tượng đã cho xóa toàn bộ dữ liệu danh sách gần 1.000 khách hàng.

Đến thời điểm website dừng hoạt động, số tiền các đối tượng đã chiếm dụng của khách hàng khoảng 2,6 tỷ đồng và 300 triệu đồng tiền PIN.

Theo C50, đây là chuyên án được khám phá thành công trong thời gian ngắn, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức thủ đoạn mới - huy động tài chính theo mô hình đa cấp với hình thức “cho-nhận”. 

Đây là phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, được tổ chức chặt chẽ. Bản thân các đối tượng là những người từng tham gia hoạt động đa cấp lâu năm, luôn tìm cách đối phó, che giấu, chống đối với cơ quan công an.

Vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

T.Nhung