Hiện đã có hơn 1,7 tỷ liều vắc xin Covid-19 được tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số được chủng ngừa rất cách biệt giữa các nước. Trong khi 50% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều thì ở nhiều nước, mới chỉ 1% dân được tiêm phòng.

{keywords}

Cơ chế Covax đã chuyển 75 triệu liều vắc xin cho 125 nước. Ảnh: Reuters

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, chỉ trích các quốc gia giàu có đang tạo nên sự bất công khiến dịch Covid-19 kéo dài. Theo ông Tedros, hiện 10 quốc gia đang sở hữu 75% số vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới.

Người đứng đầu WHO cho rằng không quốc gia nào nên tự tin mình đang an toàn dù có đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay virus SARS-CoV-2 và các biến thể đang lây lan ở khu vực khác.

Thông tin trên được tiết lộ khi WHO đặt ra các mục tiêu mới để bảo vệ người dân ở các quốc gia nghèo nhất. 

Phát biểu tại hội nghị thường niên của các bộ trưởng y tế từ 194 quốc gia thành viên, ông Tedros nói rằng “thế giới vẫn đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm”.

Ông Tedros nói thêm: "Số ca bệnh từ đầu năm tới nay nhiều hơn tổng số ca của năm 2020. Theo xu hướng hiện tại, số người chết sẽ vượt qua tổng số của năm ngoái trong vòng 3 tuần tới. Điều này rất bi thảm”.

“Một nhóm nhỏ các quốc gia sản xuất và mua phần lớn vắc xin trên toàn cầu kiểm soát số phận phần còn lại của thế giới”. 

Cơ chế Covax, do WHO và Liên minh vắc xin GAVI điều hành, đã cung cấp 72 triệu liều vắc xin cho 125 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ tháng 2. Nhưng tổng số dược phẩm này chỉ đủ cho 1% dân số của các nước đó. 

Ông Tedros kêu gọi các quốc gia tặng vắc xin cho Covax để có thể tiêm chủng cho 10% dân số của tất cả các quốc gia vào tháng 9 và 30% vào cuối năm. Giải pháp này đồng nghĩa 250 triệu người sẽ được tiêm trong 4 tháng.

“Điều đó rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tật và tử vong, giữ cho nhân viên y tế của chúng ta an toàn, mở cửa lại xã hội và nền kinh tế”, ông Tedros nói.

Ông Tedros cũng kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin cam kết 50% khối lượng của họ cho Covax trong năm nay.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức, Angela Merkel đã kêu gọi cải thiện nguồn tài trợ của cơ quan Liên Hợp Quốc và ủng hộ ý tưởng về một hiệp ước quốc tế mới nhằm ngăn chặn đại dịch.

Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ tặng 100 triệu liều vắc xin cho các nước đang phát triển từ giờ tới cuối năm.

An Yên (Theo Daily Mail)

Đất nước ‘cần 10 năm’ mới tiêm xong vắc xin Covid-19 cho người dân

Đất nước ‘cần 10 năm’ mới tiêm xong vắc xin Covid-19 cho người dân

Hiện tại, Venezuela mới tiêm vắc xin cho chưa đầy 1% trong tổng dân số 30 triệu người.