Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận 35-40 bệnh nhân từ khắp các tỉnh chuyển đến. Trong số này có rất ít bệnh nhân đến kịp trong khung giờ vàng, rất nhiều trường hợp sau 1-3 ngày nằm “cố thủ” ở nhà mới chịu đi viện, số khác tin theo cách chữa bệnh truyền miệng vô cùng nguy hiểm.
Cuối tuần qua, trung tâm tiếp nhận nam bệnh nhân 70 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân là nông dân vốn có sức khoẻ bình thường, sau đó đột ngột bị tê yếu nửa người, nói khó.
Phần tai trái của bệnh nhân có một vết cắt khá sâu do con trai cứa với mục đích cấp cứu đột quỵ
Người con trai trong lúc hoảng loạn, chạy đi lấy dao sắc cứa tai bố để nặn máu vì nhớ đã từng nghe ai đó chỉ cách cấp cứu đột quỵ như vậy. Sau đó anh cuống cuồng đi tìm kim để chích máu các đầu ngón tay nhưng không tìm thấy.
Ông bố sau đó được chuyển đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc mạch lớn.
Khi chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối cơ học. Bệnh nhân may mắn thoát chết và đang hồi phục tốt.
Trường hợp thứ hai kém may mắn hơn là nam bệnh nhân 60 tuổi ở Hà Nội. Ông vốn có sức khoẻ tốt, trước đây từng làm nhiều vị trí lãnh đạo và hiện là tổ trưởng tổ dân phố.
6 tháng trước, ông phát hiện bị loạn nhịp tim hoàn toàn. Để phòng ngừa các biến cố tim mạch, đột quỵ não, bác sĩ điều trị kê thuốc Sintrom giúp chống đông, dặn dò ông uống theo đơn và tái khám thường xuyên.
Huyết khối được lấy ra khỏi não bệnh nhân
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ trong 4 tháng đầu, riêng 2 tháng gần đây ông tự ý dừng thuốc. Theo lời kể của gia đình, sau buổi gặp mặt đồng đội chiến trường xưa, một người bạn khuyên ông nên bỏ thuốc Sintrom vì thuốc làm loãng máu, nguy cơ chảy máu khó cầm.
Đây chính là nguyên nhân khiến ông bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn.
Dù được các bác sĩ điều trị tích cực, lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng… tuy nhiên do tổn thương não quá lớn kèm bệnh tim phức tạp, bệnh nhân còn rất ít cơ hội phục hồi.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, hiện nay vẫn còn rất nhiều thông tin truyền miệng về cách sơ cứu, chữa đột quỵ khiến nhiều người tin theo, làm mất đi nhiều cơ hội được can thiệp cũng như khả năng hồi phục sau này.
Các sai lầm phổ biến nhất là chích nặn máu đầu ngón tay, sau tai, xoa bóp, bấm huyệt, để người đột quỵ nằm bất động, cho uống thuốc… Đây đều là những biện pháp không tác dụng.
Để phát hiện sớm đột quỵ, có 5 dấu hiệu:
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể).
- Đột ngột mất ngôn ngữ, giọng bị méo hoặc nói khó.
- Thị lực một bên đột ngột bị mất.
- Đau đầu dữ dội.
- Cơ thể mất thăng bằng, chóng mặt.
Nếu có bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115 để được hỗ trợ, hướng dẫn vận chuyển người bệnh an toàn tới cơ sở y tế gần nhất.
Thúy Hạnh
Bỏ qua việc đơn giản, người đàn ông 39 tuổi qua đời vì đột quỵ
Sau 8 giờ cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa nên gia đình xin về tử vong tại nhà.