Vắc xin của hãng Johnson & Johnson vừa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp. Như vậy, sau Pfizer, Moderna, đây là vắc xin thứ 3 được Mỹ cấp phép.

{keywords}

Ảnh minh họa: Emerging Growth

Cách tạo ra vắc xin Johnson & Johnson

Vắc xin của hãng dược Johnson & Johnson được gọi là vắc xin vector virus. Để tạo ra loại vắc xin này, các nhà khoa học đã sử dụng virus Adeno vô hại - vector virus. Họ thay thế một đoạn nhỏ hướng dẫn di truyền của virus trên bằng các gene virus corona.

Khi được tiêm vào cơ thể người, virus Adeno đã sửa đổi sẽ xâm nhập vào các tế bào để tạo ra protein gai. Hệ miễn dịch nhận thấy các protein lạ và sản sinh ra kháng thể. Do đó, người đã tiêm vắc xin sẽ được bảo vệ nếu tiếp xúc với SARS-CoV-2 trong tương lai.

Cách tiếp cận này không mới. Johnson & Johnson đã sử dụng phương pháp tương tự để sản xuất vắc xin Ebola. Vắc xin AstraZeneca cũng là vắc xin vector virus Adeno.

Trong khi đó, vắc xin Moderna và Pfizer đều là vắc xin mRNA, sử dụng các hướng dẫn di truyền từ virus corona để ra lệnh cho các tế bào của một người tạo ra protein gai. Chúng không sử dụng một loại virus khác làm vector.

Hiệu quả

Moderna: Hiệu quả 94% ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng, hiệu quả 100% chống bệnh trở nặng.

Pfizer: Hiệu quả 95% ngăn ngừa các ca có triệu chứng, hiệu quả gần 100% chống bệnh trở nặng.

Johnson & Johnson: Hiệu quả 66% trong việc ngăn ngừa bệnh, hiệu quả 85% chống bệnh trở nặng. 

Mặc dù vắc xin Moderna và Pfizer có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 khoảng 95% nhưng các thử nghiệm đã được thực hiện vào mùa hè và mùa thu năm 2020, trước khi các biến thể mới dễ lây lan hơn phổ biến.  

Trong khi đó, các thử nghiệm của Johnson & Johnson được thực hiện gần đây hơn và có tính đến hiệu quả của vắc xin đối với các biến thể mới. 

Theo báo cáo của FDA, vắc xin này chống được các biến thể từ Anh, Nam Phi và Brazil.

Bao nhiêu người tham gia thử nghiệm

Moderna: 30.000 tình nguyện viên ở Mỹ

Pfizer: 40.000 tình nguyện viên ở 6 quốc gia: Mỹ, Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Nam Phi.

Johnson & Johnson: 40.000 tình nguyện viên trên 8 quốc gia: Mỹ, Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico, Peru và Nam Phi.

Cách tiêm

Moderna: Hai mũi tiêm vào cánh tay, cách nhau 28 ngày

Pfizer: Hai mũi tiêm vào cánh tay, cách nhau 21 ngày

Johnson & Johnson: Một mũi tiêm vào cánh tay

Tác dụng phụ phổ biến

Moderna: Đau cánh tay (92%), mệt mỏi (68%), nhức đầu (63%), đau cơ (59%), đau khớp (45%) và ớn lạnh (43%).

Pfizer: Đau cánh tay (84%), mệt mỏi (63%), nhức đầu (55%), đau cơ (38%), ớn lạnh (32%), đau khớp (24%), sốt (14%).

Johnson & Johnson: Đau cánh tay (48%), nhức đầu (39%), mệt mỏi (38%) và đau cơ (33%).

Thời gian để vắc xin có hiệu lực

Moderna: Được bảo vệ một phần 10-14 ngày sau mũi tiêm đầu tiên, được bảo vệ đầy đủ 2 tuần sau mũi tiêm thứ hai.

Pfizer: Tương tự Moderna.

Johnson & Johnson: Được bảo vệ một phần sau 14 ngày và bảo vệ đầy đủ sau 28 ngày.

An Yên (Theo Conversation, Business Insider)

Các tác dụng phụ hay gặp của vắc xin Covid-19

Các tác dụng phụ hay gặp của vắc xin Covid-19

Một số người bị đau sưng ở nơi tiêm, sốt nhẹ, ớn lạnh… nhưng các phản ứng này không kéo dài quá 2 ngày.