Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, khoa vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị uốn ván hết sức hiếm gặp.

Bệnh nhân Nguyễn Thị N., 76 tuổi ở Lương Sơn, Hoà Bình phát hiện có một mụn mủ bên trong cánh mũi nhưng không để ý.

Ngày 13/12 vừa qua, bệnh nhân được chuyển vào khoa Truyền nhiễm trong tình trạng cứng hàm, khó nuốt. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị uốn ván, điều trị theo phác đồ nhưng 3 ngày sau, tình trạng cứng hàm của bệnh nhân tiếp tục tăng nên được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực.

{keywords}

BS Tình cùng ekip mở khí quản cấp cứu cho bệnh nhân

Tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ cố gắng điều trị để tránh phải mở khí quản. Tuy nhiên, bệnh tiến triển nặng dần. Đến trưa ngày 20/12, bệnh nhân xuất hiện co giật toàn thân trên nền co cứng, suy hô hấp do không há được miệng để thở, không nuốt được, không há được miệng, không ho khạc được nên các bác sĩ phải mở khí quản cấp cứu.

Sau khi mở khí quản để thở qua cổ, bệnh nhân đã dần ổn định, hiện đang phải dùng thuốc an thần để hạn chế co giật và tăng trương lực cơ.

Theo BS Tình, trong trường hợp trên, bác sĩ không thể đặt được ống thở vào khí quản cho bệnh nhân do miệng bị cắn chặt. Cách duy nhất là mở đường thở khí quản qua cổ, nếu không khai thông đường thở ngay lập tức, bệnh nhân sẽ ngừng thở, ngừng tim trong vài phút vì toàn thân đã tím tái.

BS Tình cho biết, uốn ván là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, do vi khuẩn kị khí (chỉ hoạt động trong môi trường không có oxy) gây nên. Đường xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể thường qua những vết thương bị bịt kín, tạo đường hầm do trúng phải gai, vết rách, vết dập nát, tiêm chích, sau phẫu thuật...

Độc tố của vi khuẩn uốn ván tác động vào thần kinh cơ gây tình trạng co cứng các cơ và co giật toàn thân. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân bị cứng hàm không há được miệng, không nuốt được, không thể khạc đờm dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não và có thể tử vong nhanh chóng.

Trong điều trị với các trường hợp này, quan trọng nhất là đảm bảo đường thở, cắt cơn co giật, chống bội nhiễm và đảm bảo dinh dưỡng.

Để phòng bệnh uốn ván, mỗi người dân cần tiêm vắc xin 3 mũi, sau 10 năm tiêm nhắc lại 1 mũi. Người có vết thương cần được về sinh sạch, sát khuẩn, tránh để vết thương tạo đường hầm.

Thúy Hạnh

Hy hữu: Người đàn ông co giật, cứng toàn thân vì gà mổ

Hy hữu: Người đàn ông co giật, cứng toàn thân vì gà mổ

Sau khi bị gà mổ vào đầu gối, ông M. bị cứng hàm tăng dần, khi vào viện còn co giật, cứng toàn thân.