Phối hợp liên viện trong tình huống “tối cấp cứu”

Nam bệnh nhân 46 tuổi, là tài xế đưa đón học sinh của một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sáng sớm 3/11, trong lúc đang chở học sinh đến trường, bệnh nhân bất ngờ cảm thấy đau tức ngực, khó thở, mồ hôi vã không ngừng. Anh nhanh chóng tấp xe vào lề đường, nhờ phụ xe đưa đến trung tâm y tế gần nhất. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Hồng Ngọc.

Tại đây, người đàn ông được chẩn đoán bị nhồi máu tâm thất phải. Mạch 30 nhịp/phút, huyết áp 40/60 mmHg, sự sống chỉ còn tính bằng phút. Xác định tình huống nguy cấp, Bệnh viện Hồng Ngọc đã nhanh chóng liên lạc với Bệnh viện E để cùng hội chẩn và tìm giải pháp cấp cứu.

Bác sĩ Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho hay: “Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể dẫn ngừng tim, gây đột tử trong thời gian ngắn. Nếu chờ các bác sĩ Bệnh viện E đến tận nơi cấp cứu thì sẽ không kịp. Do đó, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn cơ sở bạn xử lý bước đầu”.

{keywords}
Bác sĩ Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E

Bệnh nhân được đặt stent động mạch vành (ống kim loại hoặc một ống nhựa để mở rộng những lòng mạch bị tắc hẹp), truyền dopamine (thuốc chống sốc do nhồi máu cơ tim) ở mức 10 ml/giờ. Bên cạnh đó, các bác sĩ kết hợp sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và một số loại thuốc khác.

Sau khoảng 10 phút, người bệnh ổn định hơn, lập tức được chuyển tới phòng Can thiệp của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. “Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy người đàn ông bị tắc 1 nhánh động mạch vành bên phải, động mạch vành bên trái hẹp khoảng 80%”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Bệnh nhân được can thiệp thông động mạch, tổng thời gian can thiệp khoảng 20 phút. Chiều cùng ngày, bệnh nhân đã hồi tỉnh, các chỉ số ổn định, có thể trò truyện.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E thông tin, can thiệp stent mạch vành là cấp cứu thường quy. Tuy nhiên, khi đặt trong tình huống tối cấp cứu, tức là thời gian sống chỉ còn tính bằng phút như trường hợp nam bệnh nhân nói trên không phải lúc nào cũng thành công.

{keywords}
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E

“Rất may mắn là bệnh nhân nhạy cảm, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để tới sơ cứu sớm. Việc sơ cứu ban đầu tốt đã giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tử vong”, ông Thành nói.

Hiểm họa từ thói quen xấu

Bác sĩ Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch nhấn mạnh, nam bệnh nhân có tiền sử 20 năm nghiện thuốc lá. Đây là yếu tố nguy cơ chính khiến ông mắc bệnh tim mạch như tăng huyết áp, mỡ máu cao.

“Người hút thuốc có tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao gấp 3-4 lần so với người bình thường. Thuốc lá kết hợp cùng các yếu tố nguy cơ khác như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp làm tăng các mảng xơ vữa động mạch,  dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim”, bác sĩ Nguyên cho hay. Trung bình 1 tuần, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E tiếp nhận cấp cứu khoảng 15 trường hợp bị nhồi máu cơ tim, trong đó có 80-90% là người có tiền sử sử dụng thuốc lá.

{keywords}
Nam bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E

Để tránh mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên hút thuốc lá. Nghiên cứu từ Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia cho thấy, bỏ thuốc lá từ 1-2 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 20-50%. Sau 5 năm, nguy cơ đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc. Bỏ thuốc lá khoảng 10 năm, nguy cơ nhồi máu cơ tim trở về như người không hút.

Nguyễn Liên

Những em bé nhận trước 'án tử' dù vẫn đang khỏe mạnh

Những em bé nhận trước 'án tử' dù vẫn đang khỏe mạnh

Dù sinh ra và phát triển khỏe mạnh, nhưng khoảng 3-4 tuổi, em bé sẽ bị yếu cơ, đi lại khó khăn. Đến 12-13 tuổi, trẻ sẽ phải ngồi xe lăn và tới khoảng 20 tuổi có thể không giữ được mạng sống.