Ngày 8/11/2019 Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã ban hành Kế hoạch số 1288/KH-BCĐTƯATTP.

Theo đó, mục tiêu cần đạt được của Kế hoạch là bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020.

Mục tiêu cụ thể: Hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra  liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Thời gian áp dụng: Từ 15/12/2019 đến hết 25/3/2020 trên phạm vi toàn quốc.

{keywords}
Ra quân tuyên truyền cơ động, cổ động, phát tờ rơi tờ gấp về ATTP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Cục ATTP).

Nội dung kế hoạch nêu rõ, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP sẽ thành lập 06 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh thành phố. Tại các địa phương cũng sẽ tiến hành thành lập các đoàn thanh tra/ kiểm tra các cấp từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tham gia truyền thông về đảm bảo ATTP cho nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Đối với công tác tuyên truyền, đối tượng ưu tiên hướng đến chính là những người làm nội trợ, người trực tiếp chọn mua và chế biến thực phẩm cho gia đình; những người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; và chính quyền các cấp, các nhà quản lý.

{keywords}
 Phát tờ rơi tới người tiêu dùng tuyên truyền về ATTP. (Ảnh: Cục ATTP)

Nội dung tuyên truyền được chia làm 3 đợt:

Trước tết: Chính quyền các cấp, các nhà quản lý cần phải tuyên truyền bằng các văn bản pháp luật, thực hiện chỉ thị số 17/CT-TTg của Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; tuyên truyền tới những người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

Trong tết: Các cấp chính quyền và nhà quản lý kịp thời báo cáo hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn cả nước; đối với người sản xuất kinh doanh tập trung tuyên truyền về quy định sản xuất kinh doanh rượu, các sản phẩm truyền thống của địa phương; đối với người tiêu dùng hướng dẫn cách chế biến, sử dụng và bảo quản thực phẩm an toàn.

Sau tết: Thời điểm sau Tết cũng chính là mùa lễ hội, bởi thế các cấp chính quyền và nhà quản lý cần tiếp tục tổ chức thanh tra kiểm tra đảm bảo ATTP tại tất cả các cấp; triển khai tuyên truyền về các mô hình sản xuất kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn tới người sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền về khả năng nhiễm độc do sử dụng các loại nấm cho người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc rượu và không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

{keywords}
Nhu cầu sử dụng thực phẩm dịp Tết tăng cao, do đó công tác thanh tra kiểm tra đảm bảo ATTP cần được xiết chặt. (Ảnh: Internet).

Các cấp chính quyền và nhà quản lý thường xuyên báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về hoạt động triển khai công tác ATTP tại các địa phương, phát hiện các vụ việc sai phạm. Từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng và răn đe những người sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm khác có ý định vi phạm quy định về đảm bảo ATTP.

Bên cạnh đó, Cục ATTP - Bộ Y tế cũng đã và đang tổ chức các hoạt đột tuyên truyền cơ động, cổ động trực tiếp, phát tờ rơi, tờ gấp về đảm bảo ATTP tại các địa phương dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới.

Doãn Phong