Thuốc giải rượu không giải được rượu như ta nghĩ
Theo PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, trên thị trường có nhiều loại thuốc giải rượu nhưng hầu như thường kết hợp 2 trong 1 theo hai cơ chế. Thứ nhất, thuốc làm môn vị dạ dày (một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non) đóng lại trước khi uống rượu. Theo đó, rượu sẽ nằm trong dạ dày, không bị đi xuống ruột non và khiến người uống có cảm giác không say.
Đến một thời gian nhất định sau khi uống, môn vị dạ dày cần mở ra, rượu sẽ ồ ạt chảy xuống dưới khiến mức độ ảnh hưởng lớn hơn. Lượng rượu trong máu quá cao nên đa số những người uống thuốc giải rượu không thể dậy nổi vào sáng hôm sau.
Thứ hai, thuốc giải rượu góp phần làm chuyển hóa rượu. Về điều này, chuyên gia nhấn mạnh trên thực tế, không có bất cứ loại thuốc nào giúp chuyển hóa rượu nhanh hơn như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Những loại thuốc giải rượu được bán ở thị trường, thành phần chính là vitamin nhóm B, vitamin PP, B1, B2, B6. Chúng có thể giúp chuyển hóa nhưng đó là chuyện sau này, không phải tức thì khi uống rượu.
Khi uống thuốc, thuốc sẽ nằm ở dạ dày cùng rượu nên rất khó để hấp thu. Kể cả khi đã được hấp thu, chúng chỉ có tác dụng làm chuyển hóa thuận lợi hơn chứ không phải nhanh hơn. Do đó, trông đợi vào thuốc giải rượu và các loại vitamin là sai lầm.
Riêng vitamin B1, PGS Huy cảnh báo, B1 chỉ được tiêm vào bắp nhưng không phải để giải rượu cho người say mà chỉ tiêm để bệnh nhân thật đau và nhớ, sau không uống rượu nữa. Một lưu ý khác là nếu tiêm B1 qua đường tĩnh mạch sẽ gây sốc và tử vong.
Theo PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện 103), để cắt cơn say đơn giản nhất là nên móc họng nôn ra. Ảnh: minh họa
Móc họng để cắt cơn say nhanh chóng
PGS Huy khuyến cáo các đấng mày râu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì trước đó nên ăn (nhất là các chất đạm, chất béo).
Nếu trót đã uống nhiều thì biện pháp đơn giản nhất để giải rượu là móc họng nôn và uống nước lọc, nếu cảm thấy khó, có thể pha nước chè, nước đường cho dễ uống. Mục đích của việc này là để đi vệ sinh nhiều thải hết rượu ra.
Ở phương Tây, các bác sĩ thường cho uống nước máy trực tiếp để giải rượu cho bệnh nhân. Chỉ cần để qua đêm, lượng rượu sẽ được chuyển hóa hết mà không cần làm gì.
Theo lý giải của PGS. Huy, khi rượu vào máu, thời gian phân hủy là 2 giờ, cứ sau mỗi 2 giờ, nồng độ rượu trong máu giảm đi một nửa. Chúng thải ra bằng các cách chuyển hóa hết ở gan, hô hấp hoặc nước tiểu (10% nguyên vẹn qua nước tiểu).
Giải rượu bằng các loại nước củ, quả
PGS.TS.BS Bùi Quang Huy cũng đưa ra một vài cách giải rượu bằng các loại nước hoa quả như sau:
Lấy lá rau cần rửa sạch, giã nát, vắt nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Loại nước này không chỉ giã rượu mà còn giảm đa đầu một cách hiệu quả.
Dùng 100-200 g lá dong (lá dùng gói bánh chưng) giã nát, lấy nước cốt pha đường uống.
Trà búp 5 g, 16 g quất tươi thái vụn (có thể thay bằng quất khô) hãm nước sôi uống.
Uống bột sắn dây có vắt chanh, một lúc sau sẽ tỉnh.
Giã nát củ cải trắng, thêm chút đường, uống nhiều lần.
Ăn các món ăn từ đậu xanh, có thể giã cả vỏ nấu cùng đường.
Lấy quả chanh tươi vắt nước uống, hoặc thái lát mỏng ngậm từ từ.
(Theo Sức khỏe đời sống)
Bí quyết người Nhật bảo vệ đại tràng trước rượu bia
Người Nhật Bản đã tìm ra cách đơn giản để bảo vệ đại tràng khi uống rượu bia: đó là bổ sung một lượng lớn lợi khuẩn sống cho đường ruột, đặc bệt là lợi khuẩn Bifidobacterium (Bifido).