Trước đó, hai quan chức Mỹ thạo tin tiết lộ, rằng 5 tàu vũ trang của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang vây bắt tàu dầu Heritage ở Vịnh Ba Tư thì bị chiến hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh can thiệp nên buộc phải rút lui. Theo hai nguồn tin này, một máy bay Mỹ hoạt động trong khu vực đã ghi hình được vụ việc.

{keywords}
Tàu dầu Heritage của Anh ở Istanbul hồi tháng 3. (Ảnh: NY Times)

Trong thông cáo chính thức ngày 11/7, chính phủ Anh khẳng định 3 tàu Iran chỉ rời đi sau khi nhận "cảnh báo bằng lời" từ chiến hạm Anh đang hộ tống con tàu thương mại.

"Đi ngược lại luật pháp quốc tế, 3 tàu của Iran đã tìm cách chặn tàu thương mại Heritage của Anh đi qua Eo biển Hormuz. Tàu khu trục HMS Montrose buộc phải di chuyển tới vị trí giữa các tàu Iran và tàu Heritage, đưa ra cảnh báo đối với các tàu Iran, sau đó các tàu này bỏ đi. Chúng tôi quan ngại trước hành động này, và kêu gọi các nhà chức trách Iran hãy xuống thang tình hình trong khu vực", NY Times trích dẫn thông cáo.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lập tức phủ nhận cáo buộc. "Dường như tàu dầu Anh đã di chuyển qua. Những gì họ tự nói và những tuyên bố được đưa ra là nhằm kích động căng thẳng và những tuyên bố đó không có giá trị", ông nói.

Cùng ngày 11/7, hãng thông tấn bán chính thức FARS của Iran đăng tin từ IRGC lên tiếng bác bỏ thông tin mà hai quan chức Mỹ đưa ra. IRGC tuyên bố nếu nhận được lệnh bắt giữ tàu thì lực lượng này sẽ tiêu diệt mục tiêu ngay lập tức. Hải quân thuộc IRGC khẳng định "không có cuộc đụng độ nào với các tàu lạ, đặc biệt là các tàu Anh".

Những diễn biến kể trên khiến cho căng thẳng liên quan ở Vùng Vịnh tiếp tục tăng vọt.

Tuần trước, một tàu dầu Iran được tin là hướng tới Syria đã bị lực lượng thủy quân lục chiến Anh bắt giữ ngoài khơi Gibraltar. Tehran khẳng định tàu dầu này không đến Syria và Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo London sẽ phải hứng chịu "những hậu quả".

Thanh Hảo