Chú thích ảnh

Vụ nổ hạt nhân trong Chiến dịch Teapot năm 1955 ở Nevada. Ảnh: Wikipedia

Một bài viết trên trang tổng hợp tin tức xã hội Reddit của Mỹ mới đây đã đăng câu chuyện về nhà vật lý Ted Taylor. Ông là một nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng và là một nhà thiết kế bom hạt nhân vĩ đại. 

Ted Taylor là người đầu tiên từng châm thuốc lá bằng bom hạt nhân. Cụ thể bằng cách hội tụ ánh sáng chói lòa của vụ nổ hạt nhân để châm thuốc lá năm 1952.

Theo tác giả Richard L. Miller, người kể lại chi tiết sự việc trong cuốn sách năm 1986 “Under the Cloud: The Decades of Nuclear Testing” (tạm dịch: Dưới đám mây: Nhiều thập kỷ thử hạt nhân), thông tin về sự kiện “bật lửa châm thuốc lá bằng hạt nhân” không nhiều nhưng chắc chắn ông là người đầu tiên này ra ý tưởng không bình thường đó. 

Ông Taylor châm điếu thuốc lá trong Chiến dịch Tumbler-Snapper. Chiến dịch này là một loạt vụ nổ thử nghiệm do quân đội Mỹ thực hiện ở bãi thử Nevada. Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh xảy ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cuộc xung đột mà Tổng thống Mỹ khi đó Harry S. Truman cân nhắc thả bom nguyên tử.

Các quan chức chính phủ đã đặt mật danh cho vụ thử nghiệm là “George” vì đó là vụ thử thứ 7 trong loạt vụ thử và G là chữ cái thứ 7 trong bảng chữ cái. Tất nhiên, mục đích thật sự của vụ thử hạt nhân không phải để châm thuốc lá.

Theo Kho lưu trữ Vũ khí hạt nhân, các nhà nghiên cứu quân đội đã đặt một quả bom hạt nhân nặng 1.360kg mang tên Mark 5 trên một tháp cao 91m để thử công nghệ kích hoạt nổ mới.

Ngày trước vụ thử, ông Taylor tìm thấy một tấm gương parabon không dùng tới và đặt nó trong tòa nhà điều khiển. Ông biết chính xác cần đặt tấm gương vào đâu để nó hội tụ ánh sáng từ vụ thử hạt nhân. Nhờ đó, chiếc gương sẽ phát ra một lượng lớn năng lượng nhiệt và tập trung lượng nhiệt này vào một điểm cụ thể.

Chú thích ảnh

Nhà vật lý Ted Taylor. Ảnh: Wikipedia

Tiếp đó, ông Taylor treo một điếu thuốc lá hiệu Pall Mall trên một sợi dây sao cho đầu điếu thuốc là sẽ lơ lửng trực tiếp trước tia sáng hội tụ. Quá trình sắp xếp này cũng không có gì khác mấy so với nguyên tắc giơ ra một cái kính lúp để tập trung ánh nắng Mặt Trời vào một mẩu giấy và đốt cháy nó.

Ngày 1/6/1952, ông Taylor và các chuyên gia vũ khí khác tập trung trong tòa nhà kiểm soát trông như một boongke gần Khu vực 3 của bãi thử hạt nhân Yucca Flats ở Nevada. Sau đó, họ kích hoạt quả bom. Vụ nổ tạo ra đám mây hình nấm cao hơn 11.200m và sức gió 66km/h ở mọi hướng. Sức nóng lớn từ nhiên liệu phân hạch đã được hội tụ vào đầu thuốc lá và đốt cháy nó trong vòng 1 đến 2 giây.

Tác giả Miller viết về điếu thuốc lá do ông Taylor sắp đặt: “Trong vòng khoảng một giây, ánh sáng từ vụ thử vũ khí hạt nhân được hội tụ lại và châm đầu điếu thuốc lá. Ông ấy đã sáng chế ra chiếc bật lửa đốt thuốc lá nguyên tử đầu tiên trên thế giới”.

Ông Taylor dường như không phải là người cuối cùng thử châm thuốc lá kiểu đó. Ông Martin Pfeiffer, một nhà nhân loại học nghiên cứu mối quan hệ của nhân loại với vũ khí hạt nhân và thường yêu cầu công bố tài liệu liên quan tới bom hạt nhân, cho biết có một bộ phim của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1955 dường như đã nói về ý tưởng hội tụ ánh sáng từ vụ nổ hạt nhân để châm thuốc lá.

Chú thích ảnh

Hình ảnh châm thuốc lá trong bộ phim. Ảnh Business Insider

Trong bộ phim dài nửa tiếng mang tên “Operation Teapot Military Effects Studies” (Nghiên cứu ảnh hưởng quân sự của Chiến dịch Teapot), có tới 19 phút dành để mô tả gương parabon được sử dụng ra sao để hội tụ năng lượng từ ánh sáng các vụ nổ hạt nhân vào các bình gốm. Trong bộ phim, một người cầm đầu điếu thuốc lá và giơ nó ra chỗ tia sáng hội tụ, khiến đầu điếu thuốc bốc khói và cháy.

Mặc dù trông có vẻ như đã có một điếu thuốc lá nữa được châm lửa nhờ một vũ khí hạt nhân, nhưng thực ra không phải thế. Trong bộ phim, không có ánh sáng chói lòa – hiệu ứng đặc trưng của một vụ nổ hạt nhân – và thời gian tia sáng tồn tại cũng quá lâu. Người xuất hiện trong bộ phim có thể chỉ giơ điếu thuốc lá để ghi hình nhằm chứng minh rằng gương parabon hội tụ năng lượng.

Dù vậy, câu chuyện châm thuốc lá bằng bom hạt nhân của ông Taylor đã lan truyền trong đồng nghiệp của ông suốt nhiều năm khi hàng trăm vụ thử hạt nhân được thực hiện sau đó. Một số nhà vật lý có thể đã thử châm thuốc theo kiểu của ông Taylor.

Xem một đoạn trong phim "Operation Teapot Military Effects Studies" (nguồn: NNSANevada):

Ông Pfeiffer không hề ấn tượng với những cuộc biểu diễn châm thuốc lá đó. Ông nói: “Châm thuốc lá bằng vũ khí hạt nhân dường như là nỗ lực làm cho vũ khí hạt nhân trở nên bình thường”.

Tức là, hành động châm thuốc bằng cách đó có thể khiến vũ khí hạt nhân bị “bình thường hóa”, từ đó việc sử dụng vũ khí này cũng bị bình thường hóa, dẫn tới hủy diệt và chết chóc hàng loạt. Ví dụ như vụ thả bom hạt nhân của Mỹ năm 1945 xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản đã khiến 150.000 người thương vong và khiến những người sống sót phải chịu đựng hàng chục năm sau đó.

Ngày nay, các vụ thử hạt nhân trên mặt đất phần lớn bị cấm trên toàn thế giới vì nó có thể phát tán phóng xạ, ảnh hưởng tới đồ điện tử và có thể bị hiểu lầm là động thái chiến tranh…

Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) cố gắng cấm các vụ nổ hạt nhân do bất kỳ ai thực hiện ở bất kỳ đầu trên bề mặt Trái Đất, trên không, dưới nước và dưới mặt đất. Nga đã ký và thông qua hiệp ước. Tuy nhiên, 8 quốc gia khác chưa hoàn thành cả hai bước trên và chưa thực hiện hiệp ước.

Mỹ đã ký CTBT năm 1996 nhưng Quốc hội Mỹ chưa thông qua sự tham gia của Mỹ vào thỏa thuận đó. Hiện có gần 15.000 vũ khí hạt nhân đang tồn tại, có nghĩa là hành động châm thuốc từ "bật lửa hạt nhân" có thể được ai đó thử lại.

Theo baotintuc.vn