Dù chỉ trị vì Hawaii trong một thời gian ngắn, nhưng Nữ hoàng Liliuokalani đã dũng cảm đấu tranh cho quyền độc lập của hòn đảo và cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm vì những nỗ lực này. Cuộc đời sóng gió của bà khiến người đời sau vừa cảm thương, vừa ngưỡng mộ.

{keywords}
Nữ hoàng Liliuokalani lúc niên thiếu. Ảnh: Wikimedia

Nữ hoàng Liliuokalani tên đầy đủ là Lydia Liliʻ Loloku Walania Wewehi Kamaka, chào đời năm 1838 tại Honolulu, trong một gia đình có 15 người con và thuộc dòng dõi hoàng tộc trị vì lâu đời nhất đảo quốc Hawaii. Cha mẹ bà đều giữ chức tước cao trong triều đình Hawaii. Đặc biệt, mẹ bà là nữ Thượng thư Analea Keohokālole, cố vấn thân cận của Vua Kamehameha III.

Sinh trưởng trong một gia đình “trâm anh thế phiệt”, nên ngay từ nhỏ Liliuokalni đã theo học tại Trường hướng đạo Hoàng gia. Tại đây, bà được dạy nói tiếng Anh trôi chảy và được học âm nhạc một cách bài bản. Liliuokalni tỏ ra có năng khiếu và rất say mê nhạc, họa. Là con gái của các quan chức cấp cao, bà còn có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây.

{keywords}
Liliuokalani kết hôn với John Owen Dominis năm 862. Ảnh: History.com

Năm 1862, Liliuokalani kết hôn với John Owen Dominis, một quan chức trong triều đình Hawaii và cũng là con trai của một thuyền trưởng Mỹ đã di cư đến Honolulu từ năm 1837. Nhiều người trong hoàng tộc không ủng hộ cuộc hôn nhân của họ. Về sau, dư luận còn xôn xao tin đồn rằng, ông Dominis có quan hệ ngoài luồng.

Năm 1874, anh trai của Liliuokalani là Kalakaua được tấn phong hoàng đế do Đức vua tiền nhiệm Lunalilo băng hà mà không có con kế vị. Vua Kalakaua ngay lập tức phong cho em trai mình - Leleiohoku làm Thái tử, chấm dứt thời kỳ bầu chọn các hoàng đế ở Hawaii. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó, Thái tử Leleiohoku qua đời mà chưa kịp sinh con nối dõi, nên Vua Kalakaua đã chọn em gái mình - Liliuokalani là người kế nhiệm.

{keywords}
Ảnh: Daily Mail

Trong những năm tiếp sau đó, Liliuokalani đã xúc tiến rất nhiều việc đặt nền móng cho di sản của bà sau này, chẳng hạn như nỗ lực thành lập các trường học dành cho trẻ em Hawaii và đóng vai trò nhiếp chính trong thời gian anh trai công du vòng quanh thế giới năm 1881. Và khi dịch đậu mùa bùng phát trên đảo Oahu, bà đã lệnh đóng cửa các cảng. Quyết định đã được nhiều người dân và những ông chủ trồng mía giàu có ở địa phương ca ngợi, nhưng cũng khiến Liliuokalani bị các thương nhân Âu, Mỹ coi là mối đe dọa đối với công việc làm ăn của họ trên các đảo.

Năm 1887, Liliuokalani tháp tùng chị dâu - vợ Vua Kalakaua tới Anh dự đại lễ sinh nhật của Nữ hoàng Victoria. Trong lúc công cán nước ngoài, bà hay tin, Vua Kalakaua đã bị quân vũ trang, dưới sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài đe dọa phế truất, buộc ông phải ký vào Hiến pháp 1887 của Vương quốc Hawaii (về sau còn được biết đến với tên gọi Hiến pháp Bayonet). Hiến pháp mới do những người Hawaii, Mỹ và châu Âu chống chế độ quân chủ soạn thảo, có nội dung tước đoạt phần lớn quyền lực của Hoàng gia và trao chúng cho các doanh nhân người Mỹ và châu Âu da trắng. Những người ủng hộ hiến pháp mới coi đây là bước đầu tiên hướng tới việc lật đổ vương triều Hawaii và sáp nhập đảo quốc vào Mỹ.

Ngày 20/1/1891, Vua Kalakaua qua đời sau một cơn bạo bệnh kéo dài. Trước khi mất, ông dặn dò: "Hãy nói với các thần dân rằng tôi đã cố gắng". Liliuokalani kế vị anh trai và trở thành người phụ nữ đầu tiên bước lên ngôi báu ở Hawaii.

{keywords}
Ảnh: Daily Mail

Tin tưởng rằng mình có được sự ủng hộ của các thành viên nội các, Nữ hoàng Liliuokalani tìm cách vô hiệu hóa Hiến pháp 1887 và bắt tay soạn thảo một hiến pháp mới nhằm khôi phục quyền phủ quyết cho Hoàng gia cũng như quyền bỏ phiếu cho các cư dân bản địa và gốc Á ở Hawaii, bị tước đoạt lợi ích kinh tế.

Khi được mật báo về hiến pháp mới của Nữ hoàng Liliuokalani, các doanh nhân Mỹ và châu Âu bắt đầu lên kế hoạch phế truất bà. Họ muốn sáp nhập Hawaii vào Mỹ để các doanh nghiệp của họ có thể hưởng lợi từ việc kinh doanh mía đường như các nhà sản xuất địa phương. Để hiện thực hóa âm mưu này, năm 1893, họ thành lập Ủy ban An toàn, do Sanford B. Dole đứng đầu, nhằm xúc tiến một vụ đảo chính dưới sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Mỹ John Stevens và một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ. Ông Stevens đã công nhận chính quyền mới của ông Dole và tuyên bố Hawaii là một vùng đất thuộc sự bảo hộ của Mỹ.

{keywords}
Ảnh:  Liliuokalani Trust

Do không muốn chứng kiến người dân Hawaii phải đổ máu vì xung đột, Nữ hoàng Liliuokalani chấp nhận từ bỏ ngai vàng, nhưng sau đó cầu khẩn Tổng thống Mỹ Grover Cleveland khôi phục quyền lực cho bà. Bất chấp sự cảm thông của người đứng đầu Chính phủ Mỹ, bà Liliuokalani rốt cuộc vẫn không được cứu giúp.

Ông Dole đệ trình một hiệp ước xin sáp nhập lên Thượng viện Mỹ, nhưng bị hầu hết các nghị sĩ Dân chủ phản đối, đặc biệt sau khi họ nhận được thông tin phần lớn người Hawaii không ủng hộ quyết định này.

Tổng thống Cleveland sau đó cử một vị bộ trưởng Mỹ mới tới Hawaii nhằm khôi phục quyền lực cho Nữ hoàng Liliuokalani theo Hiến pháp 1887. Song, ông Dole từ chối rút lui và tuyên bố Hawaii trở thành một nước cộng hòa độc lập vào ngày 4/7/1894. Ông Dole tự xưng là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Hawaii.

Đến tháng 1/1895, chính quyền Dole ra lệnh bắt giữ Nữ hoàng Liliuokalani cùng một nhóm người trung thành với cáo buộc phản quốc vì liên quan đến một kế hoạch nổi dậy. Ngày 24/1/1895, Nữ hoàng bị buộc phải ký một chiếu thư tuyên bố thoái vị để đổi lấy tự do và sự ân xá cho những người ủng hộ.

Chính phủ mới sau đó kết án bà Liliuokalani 5 năm tù giam và đày đi lao động khổ sai. Tiếp sau quá trình kháng cáo, bà được giảm án nhưng bị giam lỏng trong một căn gác nhỏ tại Cung điện Hoàng gia Iolani và không được phép gặp bất kỳ ai tới thăm.

Suốt thời gian bị giam cầm trong cô độc, người phụ nữ từng nắm giữ vị trí quyền lực nhất đảo quốc Hawaii chỉ biết làm bạn với thơ ca và âm nhạc. Bà đã sáng tác khoảng 165 bài hát ca ngợi cuộc sống, con người ở Hawaii cũng như phản ánh những thăng trầm của bản thân kể từ khi lên ngôi báu cho đến lúc bị tống giam. Nổi tiếng nhất trong số đó là tác phẩm "Aloha Oe".

Năm 1896, chính phủ Hawaii chính thức trả tự do và khôi phục quyền công dân cho bà Liliuokalani. Sau nhiều nỗ lực khởi kiện đòi nhà chức trách bồi thường về số tài sản bị tịch thu cùng các tổn thất khác, bà Liliuokalani rốt cuộc được Chính phủ Cộng hòa Hawaii phê chuẩn khoản lương hưu trị giá 4.000USD mỗi năm, cũng như cho phép bà nhận lợi tức từ một đồn điền trồng mía nhỏ.

{keywords}
Ảnh: Time

Ở tuổi xế chiều, bà phải chứng kiến Hawaii rốt cuộc bị sáp nhập thành một bang của Mỹ vào tháng 7/1898, sau cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha. Cựu nữ hoàng trải qua những năm tháng còn lại ở tư dinh có tên Cung điện Washington Place cho đến khi qua đời vì đột quỵ vào ngày 11/11/1917, thọ 79 tuổi. Bà được tổ chức lễ tang cấp nhà nước và được an táng tại khu Lăng mộ Hoàng gia ở Mauna 'Ala.

Tài sản của bà Liliuokalani sau khi mất đã được bán đi để thành lập Quỹ Nữ hoàng Liliuokalani nhằm giúp đỡ trẻ em mồ côi, nghèo khó ở Hawaii. Quỹ này vẫn tồn tại và hoạt động tới tận ngày nay.

Tuấn Anh