Tô Châu có bề dày lịch sử lâu đời, trực thuộc tỉnh Giang Tô, phía tây nam Trung Quốc. Vùng đất được mệnh danh là "Venice của phương Đông" này từng là một trung tâm quan trọng của công nghiệp sản xuất tơ lụa Trung Hoa kể từ thời nhà Tống (960-1279).

Ngày nay, vị trí đắc địa, chi phí vận hành thấp và một môi trường chính sách thuận lợi đã biến Tô Châu trở thành một trung tâm chiến lược về thương mại, kinh doanh và điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, theo trang China Briefing.

{keywords}
Tô Châu là một trong những thành phố thịnh vượng nhất của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Venice của phương Đông

China Briefing cho biết, ở thời điểm hiện tại, Tô Châu thu hút được hơn 17.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 115 quốc gia và khu vực. Bên cạnh đó, thành phố chứng kiến mức sử dụng đầu tư nước ngoài thực tế đạt 864,2 tỷ Nhân dân tệ (132,4 tỷ USD) tính đến cuối năm 2019, chỉ sau Thượng Hải và Bắc Kinh.

Đặc điểm nổi bật của Tô Châu là những khu công nghiệp lớn, nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng sản xuất tân tiến, giúp thành phố nhanh chóng trở thành một đô thị của các doanh nghiệp thành công.

Về truyền thống, Tô Châu chuyên về các ngành công nghiệp chính như sắt và thép, nhưng trong những năm qua, nơi đây dần giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thô (các ngành công nghiệp chính) và chuyển hướng nhiều hơn sang sản xuất (công nghiệp thứ cấp) cũng như dịch vụ hiện đại (ngành công nghiệp cấp ba). Sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Tô Châu, với thiết bị điện, ôtô và viễn thông nằm trong số các lĩnh vực then chốt.

Giá trị sản lượng công nghiệp hàng năm của Tô Châu hiện nay trị giá hơn 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (460 tỷ USD), trở thành thành phố sản xuất lớn thứ 3 ở Trung Quốc. Các ngành công nghiệp thứ cấp phát triển mạnh, nhưng luôn hướng tới "thân thiện môi trường, thông minh và tân tiến".

Lĩnh vực đại học cũng có tốc độ phát triển nhanh chóng và đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm đáp ứng sự giàu có ngày càng tăng của địa phương, đồng thời bắt kịp những tiến bộ về công nghệ và khoa học đang diễn ra trên toàn quốc.

Cùng với xu hướng đó là sự bùng nổ của các ngành dịch vụ hiện đại, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển (R&D), quản lý chuỗi cung ứng, thương mại hiện đại, chăm sóc sức khỏe, đào tạo giáo dục, các ngành văn hóa và sáng tạo, du lịch, giải trí và tài chính...

Nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ trong thời gian gần đây, các ngành công nghiệp mới nổi như y sinh, năng lượng và vật liệu mới, sản xuất cao cấp, gia công dịch vụ phần mềm... cũng phát triển nhanh chóng.

Các mạng lưới giao thông hiện đại của Tô Châu càng tạo thuận lợi cho thành phố này trở thành đích đến của thương mại - nhờ dễ dàng tiếp cận các sân bay quốc tế then chốt, hệ thống đường sắt tốc độ cao, cảng mở và cả đường sắt quốc tế, chẳng hạn như tuyến Tô Châu - Manzhouli châu Âu, cho phép thành phố đóng một vai trò quan trọng dọc theo "Vành đai - Con đường".

Thử nghiệm đổi mới và tăng trưởng

Một phần câu chuyện thành công của Tô Châu là vai trò chủ chốt của thành phố trong chiến dịch thí điểm các biện pháp cải cách quốc gia được áp dụng ở Giang Tô, cùng nhiều thành phố khác của Trung Quốc.

Một ví dụ rõ nét nhất là việc Trung Quốc phát triển đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (còn được gọi là DCEP).

Vào tháng 4/2020, Tô Châu là một trong những thành phố đầu tiên được chọn để kiểm tra tính khả thi của DCEP. Thử nghiệm này bắt đầu trong điều kiện có kiểm soát, chỉ hoạt động giữa các công chức ở Xiangcheng - những người sẽ trả một nửa trợ cấp giao thông của họ bằng tiền kỹ thuật số vào tháng 5.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, Tô Châu tham gia vào thử nghiệm DCEP quy mô lớn hơn, tung ra 100.000 bao lì xì ảo trong ngày mua sắm 12/12 - trở thành thành phố thứ 2 sau Thâm Quyến thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số ở cấp độ toàn thành phố.

Một ví dụ khác là thúc đẩy xây dựng các khu thí điểm cho nhiều mục đích khác nhau như nâng cấp các quy trình thương mại, gia công dịch vụ, thương mại điện tử, Internet thế hệ tiếp theo, an sinh xã hội điện tử...

Thu hút đầu tư nước ngoài

Tô Châu là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố tăng nhanh một phần nhờ vào vị trí đắc địa, cơ sở công nghiệp vững chắc, chi phí sản xuất hợp lý và môi trường chính sách thuận lợi.

Tại "Hội nghị Mở cửa hơn nữa ở Tô Châu" được tổ chức vào tháng 1/2020, 30 biện pháp chính sách đột phá đã được ban hành.

Cùng với đó, một hướng dẫn đầu tư được phát hành cho các nhà đầu tư toàn cầu, lập bản đồ 230 nền tảng và cơ sở phát triển, tăng thêm 175 cơ hội hợp tác đầu tư.

Khu công nghiệp Tô Châu

Một trong những đặc điểm nổi bật trong khung cảnh kinh doanh của Tô Châu là Khu công nghiệp Tô Châu (SIP), nơi quy tụ 1,19 triệu người và đạt GDP 274,3 tỷ NDT (42 tỷ USD) trong năm 2019.

SIP là khu công nghiệp lớn nhất của Tô Châu với diện tích 278km2 (80km2 trong đó được chỉ định cho Khu hợp tác Trung Quốc-Singapore) cũng là nơi có nhiều chính sách ưu đãi độc đáo của chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tô Châu còn có nhiều khu vực phát triển nổi bật khác nữa như Khu phát triển kinh tế Tô Châu- Ngô Trung và Khu phát triển công nghiệp công nghệ cao & mới quốc gia Tô Châu.

Tô Châu hiện vẫn đang tích cực cung cấp một môi trường đầu tư toàn cầu hấp dẫn. Tính đến cuối năm 2019, hơn 150 công ty trong danh sách Forrtune 500 đã đầu tư vào Tô Châu - bao gồm các công ty lớn quốc tế như Phillips Healthcare, P&G, Bosch, BP, ExxonMobil, Viện Nghiên cứu Harvard, JD.com, Zippo và Honeywell.

Đến năm 2020, danh sách này tiếp mở rộng thêm nữa.

Thanh Hảo

Trung Quốc phát tặng chục triệu tiền ảo cho người dân

Trung Quốc phát tặng chục triệu tiền ảo cho người dân

Mục đích của động thái trên nhằm kích cầu người dân nước này tiêu dùng trong dịp mua sắm hôm 12/12 vừa qua.

‘Trái đắng’ của các công ty Trung Quốc khi đầu tư vào Ấn Độ

‘Trái đắng’ của các công ty Trung Quốc khi đầu tư vào Ấn Độ

Theo CNN, các công ty công nghệ Trung Quốc đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại trước tình hình căng thẳng với Ấn Độ.