Mở đầu giai đoạn 1 (gọi là Kế hoạch Vàng), 5h30 sáng 10/5/1940, quân dù Đức bất ngờ đổ xuống thị trấn Den Haag trên con đường tới Rotterdam (Hà Lan) và pháo đài Eben-Emael của Bỉ, thực hiện tấn công “mồi” thu hút chủ lực liên quân Anh-Pháp, tạo bất ngờ cho mũi tấn công chính băng qua dãy núi Ardennes rồi đột phá vượt sông Meuse, sau đó thọc sâu tốc độ cao về eo biển Manche, cô lập chủ lực liên quân ở phía bắc. 

Bộ chỉ huy Pháp lập tức điều Tập đoàn quân (TĐQ) số 1 lên phía bắc. Sự di chuyển này đã lấy đi lực lượng mạnh nhất của họ, làm yếu sức tấn công do sự đảo lộn cục bộ mà nó gây ra, đồng thời giảm sự cơ động do tiêu tốn nhiên liệu. TĐQ số 7 cũng vượt biên giới Hà Lan, nhưng nhận thấy quân đội Hà Lan lúc này đang rút lui toàn diện, liền lùi về Bỉ để phòng thủ Brussels.

{keywords}
Binh sĩ Anh chiến đấu tại Dunkirk, Pháp. Ảnh: Wikipedia

Không quân Đức nhanh chóng chiếm được ưu thế trên không, quá nửa lực lượng không quân Hà Lan bị tiêu diệt ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch. Quân Đức cũng chiếm được tất cả các cây cầu quan trọng ở gần Rotterdam, cô lập quân Hà Lan với chủ lực liên quân và chia cắt Hà Lan ra làm 2 phần. TĐQ số 7 của Pháp tìm cách cứu viện quân Hà Lan, nhưng bại trận khi đụng lực lượng thiết giáp tăng viện Đức là Sư đoàn Panzer số 9. Ngày 14/5, quân đội Hà Lan hầu như còn nguyên vẹn đã đầu hàng.

Trên hướng Bỉ, quân Đức cũng dễ dàng thiết lập ưu thế trên không, tiêu diệt 83 trong tổng số 179 máy bay của không quân Bỉ chỉ trong vòng 24 tiếng đầu tiên của cuộc chiến. Sáng 11/5, xe tăng Đức bao vây pháo đài Eben-Emael, khiến 1.200 quân phòng thủ đầu hàng. Phản công không thành công, quân đội Bỉ rút lui trong khi lực lượng Anh-Pháp vẫn chưa xây dựng xong thế trận phòng ngự.

Trên hướng trung tâm, quân Đức tiến vào vùng Ardennes. Lực lượng liên quân do không được trang bị đầy đủ vũ khí chống tăng để đối phó với lực lượng xe tăng của quân Đức, đã nhanh chóng chịu thua và rút về bên kia sông Meuse. 

Ngày 13/5, quân Đức bắt đầu vượt sông Meuse, phòng tuyến của Pháp tại đây nhanh chóng bị chọc thủng. Quân Đức đã tập trung hầu hết lực lượng không quân ném bom dữ dội kéo dài liên tục 8 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ sáng cho đến lúc nhá nhem tối, với tổng cộng 3.940 phi vụ. Đây là trận oanh tạc bằng không quân dữ dội nhất trong lịch sử cho tới thời điểm đó.

Ngày 15/5, bằng một cuộc tấn công mạnh mẽ, quân đoàn cơ giới của tướng Đức Guderian khoét sâu vào khe giữa các TĐQ số 2 và số 9 Pháp, đánh tan quân tiếp viện của Pháp rồi thọc sâu vào sườn phía nam của TĐQ số 9 Pháp. Do hiểu sai ý đồ của đối phương nên liên quân không gửi cho TĐQ số 9 lực lượng dự bị nào để hỗ trợ, dẫn đến việc TĐQ này tan rã và ra hàng hàng loạt, TĐQ số 2 cũng bị đánh tơi tả và mất sức chiến đấu.

Chiều tối 16/5, quân đoàn của Guderian tiến đến Male, cách Sedan 80km, còn sư đoàn của Rommel vượt sông Sambre. Đến đây, theo lệnh của Hitler, cả hai mũi tiến quân tạm dừng và nghỉ ngơi 2 ngày. Lúc này, liên quân không còn làm được gì để đe dọa các đơn vị quân Đức, cũng chẳng biết cách nào để thoát khỏi mối đe dọa của chúng.

Sáng 19/ 5, quân Đức khởi động lại cuộc hành quân. Sau khi lấy được thành phố Cambrai, vượt sông Somme, sang ngày 20/5, trinh sát Đức thuộc Sư đoàn Panzer số 2 đã có thể nhìn thấy cửa sông Somme chảy ra biển Manche. Một cái “túi” khổng lồ, gọi là “túi” Dunkirk chứa toàn bộ cụm TĐQ số 1 gồm gần một triệu binh sĩ của liên quân được hình thành. Như vậy là quân Đức đã ra đến bờ biển trong vòng 11 ngày, điều mà họ đã không thể làm được trong suốt 4 năm Thế chiến thứ nhất.

Chiều tối 19/5, tướng Pháp Maxime Weygand được cử làm Tổng tư lệnh liên quân thay cho tướng Gamelin. Rất tiếc là tướng Weygand mất vài ngày mới đưa ra được quyết định tổ chức một cuộc phản công từ cả phía bắc và phía nam vào hành lang tiến quân của Đức tại mặt trận sông Somme.

Quân Đức đã tận dụng được thời gian vàng 3 ngày này để làm mọi công việc chuẩn bị. Tuy nhiên, đến đây, quân Đức cũng phạm một sai lầm. Do các chỉ huy chiến trường bất đồng về thời điểm tiến đánh Dunkirk, nên Hitler cuối cùng ngả về ý kiến tạm ngưng chiến dịch, có thể do ông ta tin rằng Pháp sẽ sớm thất thủ và muốn tiết kiệm các sư đoàn thiết giáp của mình.

Sự trì hoãn này của quân Đức đã giúp cho liên quân kịp thiết lập hệ thống phòng ngự bảo vệ lối vào Dunkirk, đồng thời giúp cho hải quân Anh tập hợp đủ tàu bè và máy bay nhằm sơ tán các đạo quân Anh, Pháp, Bỉ trong vòng vây, ngay trước khi Hitler ra lệnh tấn công trở lại vào Dunkirk (27/5).

Nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đơn vị chặn hậu, trong đó có 2 sư đoàn Pháp đã chiến đấu kiên cường khi phải đánh 1 chọi 4 với quân Đức trong nhiều ngày cho đến khi cạn sạch đạn dược, cũng như sự hỗ trợ của bộ binh và không quân Anh, thành phố cảng Dunkirk đã giữ được cho đến ngày 4/6 để kịp sơ tán được 338.226 binh sĩ (khoảng 218.000 lính Anh, 120.000 lính Pháp và Bỉ).

Ở Anh, cuộc di tản này được đón chào như một chiến thắng, bởi những binh sĩ sống sót sau này sẽ là hạt nhân của lực lượng đánh bại Đức ở Tây Âu. Về phía Đức, thắng lợi trong giai đoạn Kế hoạch Vàng dù không trọn vẹn-vì để liên quân kịp sơ tán khỏi “túi Dunkirk”, nhưng cũng đủ mang tính quyết định, tạo điều kiện để đánh quỵ hoàn toàn quân đội Pháp trong giai đoạn Kế hoạch Đỏ tiếp theo.

Nguyên Phong

Lý do khiến Đức Quốc xã tấn công vào Ba Lan

Lý do khiến Đức Quốc xã tấn công vào Ba Lan

Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức, mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan ngày càng xấu đi, nhất là khi sức mạnh quân sự Đức gia tăng.

'Cối xay thịt' của Thế chiến hai

'Cối xay thịt' của Thế chiến hai

Đầu tháng 12/1941, qua ba đợt tấn công bị tổn thất rất nặng nề, tăng viện và tiếp tế khó khăn, quân đội Đức Quốc xã bị chặn đứng tại cửa ngõ Moscow và phải chuyển sang thế trận phòng ngự.