Số ca mắc mới của Nhật, công bố ngày 21/1 đã vượt mốc 47.000 ca, lập kỷ lục ngày thứ 4 liên tiếp, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc kể từ đầu dịch lên hơn 2 triệu người. Cho đến nay, 18.469 bệnh nhân không qua khỏi.

{keywords}
Chính phủ Nhật yêu cầu người dân đeo khẩu trang phòng chống Covid-19. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, nhiều khu vực tại đất nước mặt trời mọc đang vật lộn ứng phó với làn sóng dịch thứ 6, trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng. Nhằm tránh quá tải cho hệ thống y tế, nhà chức trách đã quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp sang thủ đô và 12 tỉnh khác trong vòng 3 tuần, từ ngày 21/1 - 13/2.

Tính cả 3 tỉnh gồm Okinawa, Hiroshima và Yamaguchi đang phải triển khai các biện pháp tương tự kể từ đầu tháng 1, tình trạng khẩn cấp hiện được thực hiện ở tổng cộng 16 khu vực hay 1/3 nước Nhật.

Theo sắc lệnh mới nhất, hầu hết các quán ăn được yêu cầu đóng cửa sớm, trong khi các sự kiện lớn có thể được phép hoạt động hết công suất nếu ban tổ chức có kế hoạch chống virus được phê duyệt.

Ở Tokyo, các quán ăn đang tạm ngưng phục vụ rượu có thể mở cửa đến 21h tối và được chính phủ bồi thường 30.000 Yên (263USD)/ngày. Song, những quán vẫn phục vụ đồ uống có cồn phải đóng cửa sớm hơn một giờ, vào lúc 20h tối và nhận mức bồi thường thấp hơn là 25.000 Yên (220USD)/ngày.

Bộ Y tế Nhật ngày 21/1 đã phê duyệt tiêm phòng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi bằng vắc xin Pfizer.

Dù khoảng 80% dân số Nhật đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 cơ bản, nhưng việc triển khai tiêm mũi tăng cường còn chậm và mới đạt khoảng 1,4% dân số toàn quốc tính đến thời điểm hiện tại.

WHO đề xuất giảm liều vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/1 đã đề xuất mở rộng việc tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, nhưng với liều lượng giảm hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Khuyến nghị được đưa ra sau khi Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng tổ chức họp bàn vào ngày 19/1 để đánh giá vắc xin. Liều được đề xuất dành cho nhóm nhỏ tuổi hơn là 10 microgram, bằng 1/3 mức 30 microgram cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

WHO hiện mới khuyến nghị dùng vắc xin Pfizer cho người từ 12 tuổi. Song, Mỹ Canada, Israel và Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt sử dụng chế phẩm để chủng ngừa cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Theo Kate O'Brien, quan chức phụ trách vắc xin của WHO, các thử nghiệm lâm sàng không cho thấy nguy cơ về an toàn trong việc tiêm vắc xin Pfizer cho nhóm trẻ này.

Tuy nhiên, SAGE cho rằng, chỉ nên tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Pfizer cho các nhóm ưu tiên nhất định như người cao tuổi và nhân viên y tế, từ 4 - 6 tháng sau khi hoàn thành các mũi tiêm cơ bản. Nhóm cố vấn không tán thành việc sử dụng vắc xin "thiếu kiểm soát" với mọi lứa tuổi.

Thẩm phán Mỹ chặn lệnh bắt buộc tiêm phòng Covid-19 của ông Biden

Thẩm phán Jeffrey Brown ở bang Texas, Mỹ ngày 21/1 ra phán quyết rằng, Tổng thống Joe Biden không thể đòi hỏi các nhân viên liên bang phải tiêm vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2. Phán quyết cũng ngăn chặn chính phủ Mỹ xử phạt các nhân viên liên bang không tuân thủ lệnh.

Năm ngoái, Tổng thống Biden đã ban hành sắc lệnh yêu cầu khoảng 3,5 triệu nhân viên liên bang phải tiêm phòng trước ngày 22/11 nếu không muốn bị kỷ luật hoặc sa thải. Nhà Trắng thống kê, cho đến nay, hơn 93% nhân viên liên bang đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và 98% đã tiêm phòng hoặc được cấp quyền miễn trừ chủng ngừa vì lí do y tế hoặc tôn giáo.

Tuy nhiên, thẩm phán Brown, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm hồi còn đương chức, không đồng tình với quyết định của chính quyền Biden. Ông tuyên bố, chính phủ có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng những biện pháp ít can thiệp hơn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Theo Reuters, phán quyết của thẩm phán Brown được coi là đòn giáng mới nhất đối với những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy việc tiêm phòng ở xứ sở cờ hoa.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ kháng cáo phán quyết. Các quan chức lưu ý, nhiều tòa án khác đã ra phán quyết ngược lại.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 22/1 (giờ Việt Nam), đại dịch Covid-19 đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 346,1 triệu người, bao gồm hơn 5,6 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, trên 276,5 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 71 triệu ca mắc, hơn 886.000 bệnh nhân không qua khỏi. 63% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 25% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

- Bộ trưởng Y tế El Salvador Francisco Alabi ngày 21/1 thông báo, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Flurona (nhiễm đồng thời virus cúm thông thường và virus SARS-CoV-2) là một bé trai 5 tuổi. Hiện sức khỏe của bệnh nhi ổn định và đang được cách ly.

Tuấn Anh

>>> Đọc tin thế giới 24h trên Vietnamnet

Nhiều cố vấn Chính phủ Ba Lan về Covid-19 từ chức, ca mắc ở Lào tăng trở lại

Nhiều cố vấn Chính phủ Ba Lan về Covid-19 từ chức, ca mắc ở Lào tăng trở lại

Hơn 2/3 thành viên Hội đồng cố vấn y tế về Covid-19 của Ba Lan đồng loạt xin từ chức với lí do chính phủ không coi trọng lời khuyên dựa vào khoa học của họ trong ứng phó đại dịch.

Ca Covid-19 tăng kỷ lục ở Philippines, phát hiện biến thể lai giữa Delta - Omicron

Ca Covid-19 tăng kỷ lục ở Philippines, phát hiện biến thể lai giữa Delta - Omicron

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Philippines ghi nhận tới 28.707 ca mắc mới Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.