Theo định hướng phát triển đến năm 2020, Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số khoảng 8 triệu dân, năm 2030 khoảng 9 triệu dân và năm 2050 khoảng 11 triệu dân. Vì vậy, nhu cầu sử dụng nước sạch của Thủ đô sẽ rất lớn. Cụ thể, dự kiến đến năm 2020 là khoảng 2 triệu m3/ngày đêm, đưa tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch 100%; năm 2030 khoảng 3 triệu m3/ngày đêm; năm 2050 khoảng 3,5 triệu m3/ngày đêm.

Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nhân dân Thủ đô, một số Nhà máy nước mặt quy mô lớn được triển khai đầu tư như Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II, Nhà máy nước mặt Xuân Mai (sử dụng nguồn nước sông Đà tại Hòa Bình), nhà máy nước mặt Sông Đuống với tổng mức đầu tư không nhỏ.

Cùng với đó, TP. Hà Nội đã mở rộng ‘cửa” đón các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa. Một số dự án cấp nước xã hội hóa hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó có Nhà máy nước mặt sông Đuống, với công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngày đêm sử dụng công nghệ của Đức, hoàn thành đưa vào vận hành tháng 10/2018, nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Hà Nội đạt khoảng 1.200.000m3/ngày đêm, trong đó vẫn duy trì sử dụng nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngày đêm.

Với công suất trên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho khu vực đô thị, nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn lên trên 55,5%, góp phần nâng cao chất lượng sông cho người dân nông thôn Hà Nội.

{keywords}
Nhà máy nước mặt Sông Đuống  

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ngày 03/6/2016.

Theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2019 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2019, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm và  công suất đạt 900.000 m3/ ngày đêm trong tương lai.

Theo kế hoạch ban đầu ngày 17/1/2013, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống được Bộ Xây dựng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) tại Quyết định số 72/QĐ-BXD với tổng mức đầu tư dự án là hơn 7.306 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ông Uwe Dechert- Trưởng nhóm giám sát kỹ thuật Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, người có hơn 30 năm kinh nghiệm tham gia quản lý nhiều dự án cấp thoát nước, môi trường lớn trên thế giới cho biết dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống còn tiết giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với với quy hoạch ban đầu.

“Tổng mức đầu tư dự án của nhà máy là 4.998 tỷ đồng cho 2 phân kỳ đầu tư đến công suất 300.000 m3/ngày đêm. Trong đó một số hạng mục đã được đầu tư cho công suất 600.000 m3/ngày đêm, tương đương với công suất Nhà máy nước sông Đà tại thời điểm hiện nay (300.000 m3/ngày đêm). So sánh với tổng mức đầu tư của Nhà máy nước sông Đà giai đoạn 2 là 5.800 tỷ đồng thì dự án Nhà máy nước sông Đuống không phải là cao”, ông Uwe Dechert nói.

Tại thời điểm hiện tại, giá bán nước của các nhà máy nước mặt đang được áp dụng dựa trên quyết định của UBND TP.Hà Nội.

Lệ Thanh