Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN) Lương Duyên Thống cho biết, xuất phát từ tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng do lái xe thời gian qua, đồng thời để nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe, Bộ GTVT đã đề xuất các bộ ngành họp cho ý kiến, thống nhất đưa vào nghị định 138 quy định bắt buộc đầu tư thêm các thiết bị đào tạo như: Cabin tập lái, thiết bị giám sát học thực hành... 

Theo Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô Trần Văn Toản, tai nạn giao thông tăng chủ yếu là do ý thức và việc xử lý vi phạm chưa nghiêm chứ không hẳn do đào tạo lái xe.

“Tại sao những người được đào tạo lái xe ở VN sang nước ngoài đi rất nghiêm? Thống kê tai nạn thảm khốc vừa qua cho thấy tỷ lệ người có thâm niêm lái xe hàng chục năm gây ra rất cao, do vậy không thể nói do đào tạo lái xe yếu kém được.

Khi nào ý thức người tham gia giao thông chưa cao, người thực thi công vụ chưa công tâm thì chưa thể giảm được tai nạn giao thông. Chế tài nghiêm, thực thi chưa nghiêm thì còn tai nạn”, ông Toản nói.

{keywords}
Siết đào tạo lái xe, giám sát cả thời gian học thực hành 

Không nên giám sát học thực hành

Theo ông Toản, hiện nay quy chuẩn đầu ra của đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đáp ứng yêu cầu lái xe an toàn. Do vậy quản lý nhà nước không cần đưa thêm quy định bắt buộc trong đào tạo thi sát hạch.

Đi thẳng vào các quy định bắt buộc mới, ông Toản cho rằng, việc đầu tư thiết bị giám sát thời gian học thực hành của học viên là không cần thiết, bởi xu thế chung của các nước phát triển chỉ giám sát đầu ra và không khắt khe đến mức phải giám sát giờ thực hành.

“Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đào tạo chỉ 20 - 30 giờ học thực hành và họ quản lý chặt đầu ra qua kết quả thi thực tế. Trong khi ở nước ta đang xem đào tạo lái xe là một nghề và quản lý thời gian học của lái xe quá chặt…”, ông Toản nói.

Về quy định trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe phải trang bị cabin tập lái, ông Toản cho hay, từ năm 1995 đã có DN đưa vào đào tạo rồi nhưng không đem lại hiệu quả do cabin tập lái chẳng khác nào trò chơi điện tử, không sát với thực tế cầm vô lăng trên xe.

Vì thế, nếu quản lý nhà nước cứ bắt buộc đơn vị đào tạo thực hiện sẽ gây tốn kém không nhỏ cho DN.

“Ngay như DN chúng tôi nếu quy định có hiệu lực thì phải đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng để lắp 20 - 30 cabin tập lái”, ông Toản nói thêm.

{keywords}
Thời gian học thực hành sẽ được thiết bị giám sát chặt chẽ

Phó giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trường ĐH phòng cháy, chữa cháy Thiếu tá Trần Lâm Bằng cho rằng, việc quy định bắt buộc học viên phải học qua cabin tập lái khiến các trung tâm phải bỏ thêm kinh phí để đầu tư thiết bị.

Tuy nhiên, nếu việc đầu tư này thực sự đem lại hiệu quả, giúp người học có thêm kỹ năng xử lý trên đường thì trung tâm sẽ thực hiện.
 
Giám sát để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe
 
Ông Lương Duyên Thống cho rằng, ở góc độ DN khi phải đầu tư bổ sung thêm điều kiện cơ sở vật chất làm tăng chi phí thì không DN nào muốn.
 
Trước đây có vài cơ sở đưa cabin tập lái vào đào tạo không hiệu quả là do không có quy chuẩn bắt buộc. Thời điển đó, cabin tập lái như trò chơi điện tử và người học không bắt buộc, không có hứng thú nên tác dụng không cao.

“Hiện nay công nghệ đã phát triển hơn rất nhiều, cabin tập lái với chương trình học được xây dựng đầy đủ các tình huống như: đường đồi dốc, đèo núi… sát với thực tế.

Học qua cabin tập lái người học sẽ được trải nghiệm và đúc kết kinh nghiệm lái xe, khi ra đường cầm vô lăng sẽ không còn bỡ ngỡ”, ông Thống nói.

Vụ trưởng Quản lý phương tiện người lái thông tin thêm, cabin tập lái có nhiều loại. Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu đưa ra quy chuẩn để đem lại hiệu quả tốt nhất cho người học, giá thành vừa phải nhất.

Về thiết bị giám sát quãng thời gian học thực hành lái xe của học viên, ông Thống cho hay, hiện nay quy định mỗi học viên học lấy GPLX phải có thời gian học thực hành cụ thể.

Đơn cử như đối với hạng B phải lái thực hành 1.100 km và 84 giờ học. Tuy nhiên có trung tâm không đào tạo đủ, bản thân người học có người học đủ người không, điều này dẫn đến kỹ năng rèn luyện lái xe trên đường chưa đảm bảo. Do vậy, việc trang bị thiết bị sẽ giám sát học viên học đủ, học thật.

Hiện Bộ GTVT đang giao cho Tổng cục Đường bộ xây dựng quy chuẩn thiết bị giám sát người học và  cabin tập lái để trình vào tháng 6/2020. Sau đó phải mất từ 3 - 6 tháng quy chuẩn mới có hiệu lực.

Công an có thể truy dữ liệu học lái xe của tài xế gây tai nạn

Công an có thể truy dữ liệu học lái xe của tài xế gây tai nạn

Khi tài xế lái ô tô gây tai nạn nghiêm trọng, cơ quan công an nghi vấn việc học và cấp giấy phép lái xe (GPLX) thì hoàn toàn có thể truy dữ liệu từ công tác sát hạch qua camera giám sát.

 Vũ Điệp