- Sau khi 31 thai phụ bị tiêm nhầm vắc xin, các GS, TS đầu ngành đã về kiểm tra và trấn an. Tuy nhiên, vẫn còn những nỗi lo với các bà bầu bị tiêm nhầm...

Y sỹ tiêm nhầm vắc xin cho 31 thai phụ lên tiếng

Y sỹ Nguyễn Quyết Thắng cho biết, trong lúc lấy thuốc ra bàn tiêm, chỉ nhìn chữ uốn ván mà không để ý vỏ lọ vắc xin dẫn đến sự cố tiêm nhầm.

'Chỉ mong sao mẹ tròn con vuông!'

Để tìm hiểu sâu hơn về sự việc, PV đã có mặt tại xã Tương Giang, TX. Từ Sơn, Bắc Ninh, nơi cán bộ Trạm y tế xã đã tiêm nhầm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) cho 31 thai phụ vào sáng 20/12.

Đã 1 tuần trôi qua và mặc dù cơ quan chức năng khẳng định những người bị tiêm nhầm sẽ không sao, nhưng những người trực tiếp bị tiêm nhầm là các bà bầu không thể không lo lắng.

{keywords}

Chị Vũ Thị Vân

Chị Vũ Thị Vân (37 tuổi) cho biết, đây là lần mang thai thứ ba của chị. Trước đó, chị sinh được hai cháu đều là con trai. Gia đình cũng muốn đẻ thêm đứa con gái cho 'có nếp, có tẻ'.

"Điều may mắn là lần này tôi mang thai con gái. Hiện tại thai nhi đã bước sang tuần thứ 30 nên gia đình rất mừng. Trước đó, chúng tôi nhận được thông báo của Trạm y tế xã về việc tiêm vắc-xin uốn ván (AT) cho phụ nữ mang thai từ 14 tuần đến 32 tuần tuổi vào sáng ngày 20/12.

Sáng hôm đó, tôi cùng nhiều phụ nữ mang thai khác đến tiêm vắc-xin. Sau khi tiêm xong tôi về nhà, tối hôm đó thấy người có dấu hiệu bị ngứa và sưng đỏ quanh chỗ tiêm.

Nghĩ là phản ứng bình thường nên tôi chỉ lấy nước nóng chườm cho đỡ, đến ngày hôm sau thì tôi nhận được thông báo là mình đã bị tiêm nhầm vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT)" - chị Vân cho hay.

Cả gia đình quá lo lắng nên đã đến ngay Trạm y tế xã để hỏi thì họ thừa nhận là đã tiêm nhầm. Việc nhầm lẫn khó tin này không chỉ xảy ra với chị Vân mà với 30 thai phụ khác cùng tiêm trong sáng hôm đó.

"Lo sợ nên gia đình tôi đã phải nhờ người nhà làm trong bệnh viện ở Hà Nội hỏi giúp, đồng thời lên mạng tìm kiếm thông tin về sự việc. Ngay sau đó có một số bác sỹ đã về kiểm tra thai nhi cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ con tôi. Giờ thì sức khỏe của hai mẹ con tôi vẫn bình thương, và cũng phải cố đả thông tư tưởng chứ cứ nghĩ ngợi mãi cũng ảnh hưởng đến thai nhi” - chị Vân nói.

Theo thai phụ này, vụ việc cũng đã xảy ra, giờ chị chỉ mong sao các cơ quan chức năng quan tâm, theo dõi tình hình sức khỏe của các chị em bị tiêm nhầm để sinh hạ mẹ tròn con vuông.

Chúng tôi tìm đến một trường hợp khác cách đó không xa là nhà thai phụ Nguyễn Thị Hà (34 tuổi, đang mang thai tuần thứ 26).

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hà

Theo tìm hiểu, hai vợ chồng chị Hà thuê nhà ở đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn vì cả hai đều là công nhân của khu công nghiệp gần đó. Hai vợ chồng lấy nhau cũng được lâu nhưng đường con cái cũng gập ghềnh.

Theo lời kể của anh Trần Văn Tuấn (chồng chị Hà) thì trước khi chị Hà có bầu, hai vợ chồng đã phải lên bệnh viện để điều trị và kết hợp uống thuốc nam nên mới có.

“Thế mà lại bị như thế này nên hai vợ chồng tôi lo lắm, không biết phải làm sao! Chỉ nhờ các cơ quan chức năng quan tâm tới vợ con tôi đến khi sinh, để được mẹ tròn con vuông” – anh Tuấn chia sẻ.

Nhớ lại vụ việc hôm đó, chị Hà cho biết thêm: “Sau khi tiêm về, tay tôi sưng to và tấy không thể nâng lên được, đến giờ chỗ tiêm vẫn đau và nhức. Việc tiêm nhầm vắc-xin thì không thể biết như thế nào được, không biết có ảnh hưởng gì đến cháu bé sau này không nữa, làm mẹ ai cũng lo vậy”.

VIDEO: CÁC THAI PHỤ LÊN TIẾNG

Tiếp tục theo dõi, hỗ trợ

Liên quan đến sự cố hy hữu trong ngành y này, chiều 27/12, tại Bắc Ninh, Bộ Y tế cùng các ban ngành liên quan tổ chức họp báo, thông báo chi tiết.

Ông Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự cố do cả chủ quan và khách quan.

{keywords}
Bộ Y tế cùng các ban ngành liên quan họp báo thông báo chi tiết sự cố tiêm nhầm vắc xin

Theo ông Chung, hiện Sở Y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác với y sỹ Nguyễn Quyết Thắng, yêu cầu y sỹ Thắng viết tường trình, kiểm điểm. Trường hợp nặng nhất có thể đuổi việc.

Đánh giá về sự việc, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sự cố xảy ra tại địa phương nhưng ảnh hưởng đến tâm lý, cán bộ y tế trên cả nước và sẽ phải xử lý nghiêm.

Còn theo GS, TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sự cố tiêm nhầm không ảnh hưởng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi.

"PDT là vắc xin bất hoạt (vắc xin chết), nên nó không nhân lên, không gây ảnh hưởng đến thai nhi sau này. Kháng nguyên này cũng không thể xâm nhập qua nhau thai vào thai nhi", GS Hiển khẳng định tại cuộc họp.

GS Hiển phân tích thêm, với những trường hợp thai nhi đã qua 12 tuần tuổi, hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Với các bà mẹ, nếu có chỉ là những phản ứng thông thường như sưng, sốt nhẹ trong vòng 24-48 giờ sau tiêm. Tuy nhiên đến nay đã qua 5 ngày, qua theo dõi không phát hiện bất thường nào.

"Hiện chưa có bằng chứng, tài liệu nào nói về ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Việc tiêm DPT cho thai phụ còn góp phần tạo kháng thể chủ động để truyền sang con", GS Hiển nói.

Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Danh Cường - PGĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng khẳng định, việc tiêm nhầm vắc xin DPT không làm ảnh hưởng đến thai phụ và thai nhi, không gây dị dạng thai.

Được biết, để hỗ trợ các thai phụ, Sở Y tế Bắc Ninh cho biết sẽ phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thành lập tổ tư vấn, theo dõi, hỗ trợ cho các thai phụ trong suốt thời kỳ thai nghén đến khi sinh. Mọi chi phí sẽ được miễn phí.

Nhị Tiến - Thúy Hạnh