Hàng loạt câu hỏi được gửi về Cổng TTĐT Chính phủ trước buổi giao lưu trực tuyến sáng 26/5 về dự án tuyển 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo nhất nước.

Đa số câu hỏi là của sinh viên mới ra trường, du học sinh, những người từng công tác dự án ở huyện nghèo hoặc cả những sinh viên đang ngồi ghế nhà trường.

Xã vùng cao không cần trí thức ngành thủy sản

Nhiều trí thức trẻ quan tâm tới dự án tuyển 600 phó chủ tịch xã do Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn thực hiện. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
"Du học sinh có cơ hội hay không" là thắc mắc của nhiều bạn du học sinh gửi về Cổng TTĐT. Bạn Linh Do hỏi: “Tôi là sinh viên đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và đang theo học ở nước ngoài, vậy xin hỏi dự án có chính sách tuyển dụng cho đối tượng là du học sinh không? Nếu có thì cần đạt tiêu chuẩn gì?”.

Không ít người có ý nghĩ thiếu thiện cảm về khả năng của sinh viên hệ tại chức. Tuy nhiên, bạn đọc Vi Văn Sơn, sinh viên toán năm thứ 3, đại học Vinh đặt vấn đề, nhiều anh chị học tại chức có kinh nghiệm quản lý tốt và am hiểu phong tục tập quán ở địa phương hơn là những sinh viên chính quy mới ra trường.

Hai sinh viên đại học Thương mại Hà Nội lại thắc mắc, theo như dự án, tuyển các trí thức trẻ học các ngành như kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, luật. Nhưng Bộ Nội vụ có tính đến việc xã nào cần chuyên môn gì để có thể vận dụng thiết thực nhất cho bà con nông dân, tránh việc xã vùng cao gặp khó khăn về nước sinh hoạt nhưng lại phân về một tri thức chuyên về thủy sản?

Đặt vấn đề “hậu” dự án, một bạn đọc cho rằng, sau khi thực hiện dự án thì các đội viên đã ngoài 30 tuổi. Vậy cơ hội nghề nghiệp tiếp theo của các đội viên được Bộ Nội vụ tính toán như thế nào?

Cũng cùng thắc mắc, bạn Trần Hoàng Nam đang là công chức cấp huyện của tỉnh Cao Bằng muốn biết sau khi hoàn thành dự án thì có thể trở về đơn vị cũ công tác được không?

Độc giả Lê Giang (Đài Truyền hình Lào Cai) lại e ngại, tuyển đầu vào thì đội viên đủ tiêu chuẩn nhưng khi làm việc thực tế mà không đạt, không đem lại hiệu quả thiết thực nào cho địa phương thì có cơ chế như thế nào? Tránh trường hợp không cống hiến được gì nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ của nhà nước. Hoặc đang công tác nhưng thấy khó khăn nên viện nhiều lí do để không tiếp tục tham gia dự án nữa thì Bộ Nội vụ có phương thức xử lý cụ thể ra sao?

Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp trong cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu lúc 9h sáng 26/5. Khách mời gồm Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An, chủ tịch, phó chủ tịch một số tỉnh, huyện...

Địa chỉ để độc giả gửi câu hỏi: toasoanwebcp@chinhphu.vn.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ