Tính từ ngày 29/4/2021 đến tối 2/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3.366 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.553 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.813 ca.

Ổ dịch “nóng” nhất Thủ đô hiện nay là phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) từ 23/8 đến tối 2/9 đã phát hiện 395 ca.

{keywords}
Tổ công tác đặc biệt số 3 Công an Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm soát người tham gia giao thông trên đường Hoàng Cầu. Ảnh: Phạm Hải

Theo thống kê của Sở Y tế đến hết ngày 1/9, ngoài ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, Thủ đô còn 5 ổ dịch phức tạp khác, bao gồm: ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng (bùng phát từ 24/8) có 45 ca, ổ dịch Tân lập (bùng phát từ 28/8) 14 ca, ổ dịch Chợ Ngọc Hà (bùng phát từ 28/8) 16 ca, ổ dịch Văn Miếu (bùng phát từ 30/7) 107 ca, ổ dịch Văn Chương (bùng phát từ 17/7) 89 ca.

UBND TP Hà Nội nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới. Trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy, tác động tới nền kinh tế, xã hội. 

Theo UBND TP, Hà Nội đã rất cố gắng, nỗ lực ngày/đêm không nghỉ phòng, chống dịch bệnh, song thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, bỏ trống chốt kiểm dịch tại một số địa bàn hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát; sở chỉ huy tiền phương vắng lực lượng chức năng chốt trực; số lượng người dân ra đường vẫn rất lớn…

UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc TP, UBND các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các thủ trưởng, tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”.

Đồng thời, tập trung phát triển KT-XH, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách TP.

Ban Thường vụ Thành ủy đã biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của TP theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP.

Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam TP (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp). 

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ” bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương. 

Công an TP được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn TP…

Đồng thời, tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với 23 chốt kiểm soát ra-vào thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa

UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị ủy, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kiểm soát người dân đi lại bằng cách kiểm tra tính hợp lý của giấy đi đường (kèm theo lịch trực của cơ quan, tổ chức); xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường... 

{keywords}
Người dân ở phường Thanh Xuân Trung được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Phạm Hải

Về vắc xin phòng dịch Covid-19, Ban cán sự đảng UBND TP thành lập Tổ công tác của TP để chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tìm kiếm nguồn vắc xin, huy động nguồn lực và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét về phương án mua vắc xin để phục vụ tiêm cho người dân kịp thời. 

Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; bảo đảm đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, tầng 3…

Hà Nội sẽ tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn Thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ” (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao “nhóm da cam” (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “nhóm xanh” cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “nhóm xanh”. 

Hương Quỳnh

Phương án giãn cách xã hội của Hà Nội sau ngày 6/9

Phương án giãn cách xã hội của Hà Nội sau ngày 6/9

Hà Nội lập 3 vùng. “Vùng đỏ” tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng; vùng “cam, xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15.