- Quyền thu hồi đất có ba cấp: trung ương, tỉnh, huyện, thậm chí cả xã. Điều này làm cho việc quản lý trở nên rối - luật sư Lê Đức Tiết nêu.

Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo luật Đất đai sửa đổi ngày 14/3 tại Hà Nội.

Loay hoay không trúng bản chất

Ông Tiết cho rằng, quan hệ dân sự lẽ ra phải là quan hệ bình đẳng, tự nguyện thì bị biến thành quan hệ hành chính mang tính chất quan hệ cấp trên - dưới. Lẫn lộn giữa quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.. đã dẫn đến việc làm luật rườm rà.

"Việc hành chính hóa luật đã đẻ ra luật Đất đai rườm rà" - ông quả quyết. Như ngay trong quản lý nhà nước về đất đai, quyền thu hồi đất có ba cấp: trung ương, tỉnh, huyện (thậm chí có cả xã). Điều này đã làm cho việc quản lý trở nên rối.

Luật sư Lê Đức Tiết: Hành chính hóa luật 'đẻ' ra luật Đất đai rườm rà

"Có ý kiến dân bảo thu hồi đất các cấp loạn như loạn 12 sứ quân, như thế cũng là có cơ sở. Vụ Tiên Lãng là một bài học cho thấy trên không nói được dưới, dưới bất chấp trên. Cũng tại bởi giao quyền thu hồi đất thực hiện theo mệnh lệnh hành chính. Nếu không khắc phục được thì sẽ trở nên lộn xộn" - luật sư Lê Đức Tiết nêu ý kiến. 

Ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch thường trực Hội xuất bản Việt Nam cho rằng, với lịch sử đấu tranh giành tấc đất độc lập, tự do của Việt Nam, chế độ sở hữu đất đai toàn dân là thích hợp. Những vấn đề bất cập nằm ở quản lý, sử dụng đất đai chưa nghiêm.

Làm rõ ai sở hữu

PGS.TS Trần Ngọc Hiên - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế thì nêu quan điểm vấn đề sở hữu phải đi vào quy luật thị trường. Sở hữu chỉ có giá trị khi đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của lực lượng sản xuất, chứ không phải là sở hữu trong văn bản cho dân chủ. Ai làm sinh lợi tốt nhất phải làm rõ quy định trong luật.

GS Nguyễn Lang - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng cần làm rõ người và cơ quan quản lý sử dụng đất. Lâu nay nói đất có đại diện chủ sở hữu là Nhà nước. Đó là cách xác nhận "mơ hồ", dẫn đến mơ hồ nhận thức của người quản lý.

GS Nguyễn Lang: Làm rõ ai sở hữu

Đất đưa vào khai thác cần phải làm rõ vai trò: ai sở hữu, ai là đại diện chủ sở hữu, ai là người quản lý tài sản, ai là người trực tiếp sử dụng tài sản đó.

Bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch MTTQ cho rằng, đất đai của Việt Nam khác với lịch sử và lãnh thổ của nhiều nước. Vì lẽ đó, đất đai là sở hữu toàn dân. Mọi người dân có quyền sở hữu. Người đại diện chủ sở hữu nên là Quốc hội.

Một ý kiến của bà Liên được hầu hết các đại biểu đồng tình, đó là trong khi Hiến pháp sửa đổi vẫn còn nêu những ý kiến tranh luận khác nhau về chế độ sở hữu đất đai thì việc bàn sửa đổi luật Đất đai là không đồng bộ. Để đúng tuần tự, luật Đất đai sửa đổi chỉ nên tiếp tục được bàn thảo sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Linh Thư - Ảnh: Minh Thăng