Với đặc điểm nông nghiệp trồng nhiều cây ăn quả như vải, nhãn… Bắc Giang là một trong những địa phương trên cả nước đang phát triển tốt nghề nuôi ong lấy mật.

Các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế, Tân Yên… của tỉnh này là những khu vực điển hình nuôi ong nhờ diện tích vải thiều, nhãn, xoài lớn.

Về xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi gặp ông Vũ Văn Tứ (SN 1965) - người đã có 20 năm gắn bó với đàn ong mật. Ông Tứ là một điển hình của người dân nhờ nuôi ong thoát nghèo, nâng cao kinh tế ở địa phương.

{keywords}
Bắc Giang là địa phương nổi tiếng với cây vải

Ông Tứ cho biết, nuôi ong là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông. Hiện tại, ở xã Liên Sơn có khoảng vài chục hộ nuôi ong, trong đó ông Tứ là một trong số những gia đình nuôi ong nhiều nhất.

Với khoảng 100 đàn ong, mỗi năm gia đình ông thu về 70-80 triệu đồng nếu được mùa, hơn hẳn thu nhập từ làm ruộng.

Theo những người dân ở đây, nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh ong khỏi mắc một số bệnh như: thối ấu trùng, ấu trùng túi… Tổ ong có thể đặt cố định ở một nơi hoặc di chuyển theo mùa hoa để có chất lượng mật tốt nhất.

Ông Tứ cho biết: ‘Nuôi ong không phải là nghề nặng nhọc nên phụ nữ cũng có thể làm được. Nhưng nghề này cần đi lại nhiều và phụ thuộc vào thời tiết’.

Mỗi năm, ở Bắc Giang có 2 vụ mật chính là mùa hoa vải, nhãn và bạch đàn. Ngoài ra, còn có thêm vụ phụ là mùa hoa táo. Cứ đến thời điểm giáp Tết, ông Tứ lại phải lặn lội đưa ong lên Hà Giang để ong kiếm mật bạc hà – loại mật có giá lên tới 350 nghìn đồng/ lít thay vì mật vải, nhãn thông thường chỉ có 180-200 nghìn đồng/ lít.

Vào những mùa không có hoa, người nuôi ong phải cho đàn ăn thêm đường. Tuy nhiên, ong con cần ăn phấn nên đàn ong của ông Tứ vẫn phải di chuyển đến các vùng có hoa khác để ‘dưỡng ong’.

{keywords}
Ông Tứ và những chai mật thu được từ việc nuôi ong

Điều quan trọng nhất của công việc  này là phải yêu nghề; có tính kiên trì và phải có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng và phát triển của loài ong.

Trong năm, ong thường cho hai vụ mật, nhưng chủ yếu là vụ xuân hè (tháng 3 đến tháng 7), thời kỳ nhiều hoa vải và hoa rừng nhất trong năm. Trong thời kỳ này, tuyệt đối không cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì và cũng không được can thiệp bất cứ việc gì vào đàn ong để tránh làm ảnh hưởng chất lượng mật.

Nếu thời tiết nắng ráo thì chỉ 4-5 hôm là người nuôi ong được lấy mật 1 lần. Nhưng nếu trời nắng quá, mật keo lại, ong cũng khó lấy mật hơn. Nếu trời mưa và mưa kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoa và quá trình thụ phấn của ong.

Ngoài ra, người nuôi ong cần biết cách nhân đàn, điều chỉnh thế đàn; nhận biết bệnh, chữa bệnh cho ong và nắm vững cách lấy mật, bảo đảm chất lượng mật cũng như bảo toàn được số lượng đàn.

Bên cạnh lợi ích kinh tế từ việc lấy mật, hàng nghìn đàn ong ở xã Liên Sơn còn giúp tăng năng suất cây trồng của địa phương. Theo kinh nghiệm, việc ong góp phần thụ phấn chéo cho cây có thể làm tăng khả năng đậu quả lên 20%. Một số loại cây như táo, lê… nếu không có ong thụ phấn, có khi còn không đậu quả.

Người ta ước tính rằng, nếu trung bình giá trị mật ong thu được 1 thì hiệu quả về năng suất cây trồng thu được 10 nhờ đàn ong. Nếu một xã có vài người nuôi ong mật là giúp tăng năng suất cây trồng cho cả xã đó.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sơn, cho biết, nghề nuôi ong lấy mật đã tồn tại và phát triển từ lâu ở địa phương.

‘Ngoài nghề chính là làm ruộng, thanh niên thì đi làm công nhân ở các công ty, nghề nuôi ong vẫn phát triển song song và góp phần mang lại thu nhập cho các hộ dân tuỳ thuộc vào quy mô của từng gia đình’ - ông Thắng nhấn mạnh.

Bài: Mạnh Hưng - Nhóm PV
Ảnh: Thu Huyền - Nhóm PV