TP.HCM hiện tập trung 17 khu khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN); 1 Khu công nghệ cao và 16 cụm công nghiệp. Tổng lao động gần 380.000 người, trong đó có tới 60 - 75% cần nhà lưu trú với khoảng 280.000 chỗ ở nhưng TP chỉ mới giải quyết được một phần ít nhu cầu này.
Từ thực trạng đó, nhiều đại biểu tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại KCX-KCN", cho rằng, cần thiết phải có quỹ đất để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở liền kề KCX-KCN.
Khan hiếm nhà ở công nhân
Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng công nhân làm việc trong các KCN, CX), TP có 285.000 người, chiếm 65% là lao động nhâp cư.
Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TP.HCM |
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM nhìn nhận tỷ lệ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân còn rất thấp. Do không có nơi ‘an cư’ nhiều, công nhân phải ở trong nhà trọ nhếch nhác, điều kiện môi trường chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ.
Ông Tâm lấy ví dụ công ty PouYuen Việt Nam tại quận Bình Tân do không thể xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nên hàng ngày huy động nhiều xe đưa rước công nhân từ nhà ở Long An lên TP.HCM làm việc. Quãng đường đi làm quá xa, mất nhiều thời gian đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của người lao động.
Đặc biệt, nhiều người khi về đến nhà thì con cái đã ngủ, cuộc sống gia đình xáo trộn. Nhiều công nhân nghỉ đến chuyện bỏ việc, chuyển đến những địa phương khác để có chỗ ở phù hợp và đạt chất lượng. Việc này khiến nguồn lực lao động tại các KCN-KCX bị thiếu hụt.
Cũng như TP.HCM, tỉnh Long An cũng đang rơi vào tình trạng có các KCN nhưng có rất ít khu nhà ở phục vụ cho công nhân, chuyên gia và người lao động.
Ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng đầu tư, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh có tới 31 KCN và một khu kinh tế. Tuy nhiên, hiện có 4 nhà lưu trú công nhân và con số này chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 6.000 lao động.
Công nhân phải ở trong nhà trọ nhếch nhác, điều kiện môi trường chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ |
Ông Tình cho biết thêm, nhiều KCN được quy hoạch từ 13-14 năm nay nhưng không thu hút được nhà đầu tư do không dành quỹ đất để đầu tư khu nhà ở cho người lao động.
Là đơn vị đầu tư nhà ở tại KCN, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc công ty Trần Anh Long An cho biết 5 năm nay, doanh nghiệp đầu tư ở Long An thì phát hiện rất nhiều KCN bỏ hoang vì không gắn liền với khu dân cư.
Ông Vinh nhìn nhận, một KCN mà không có nhà ở thì rất khó kéo các DN về đầu tư, xây dựng dựng nhà máy. Vì không có nhà ở thì không có người về làm.
Ông lấy ví dụ CKN Đức Hoà 3 (Long An) rộng 1.800 ha nhưng không quy hoạch khu dân cư hay khu nhà ở cho công nhân, chuyên gia và người lao động nên gần như không thu hút được đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân còn rườm rà, phức tạp, thời gian kéo dài khiến doanh nghiệp nản lòng, không mặn mà với các mô hình nhà ở này.
“Ban đầu, doanh nghiệp tôi tính đầu tư tại Long An khoảng 10.000 căn nhà ở cho các đối tượng nêu trên. Tuy nhiên, do thủ tục quá rườm ra nên đến nay mới chỉ làm được khoảng 800 căn đã thấy “đuối””- ông Vinh thông tin.
Cần cơ chế hỗ trợ
Ông Trần Quốc Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó.
“Hiện chúng tôi đang xin UBND TP thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân”, ông Đạt nói và thông tin, thành phố có 47ha với 15 dự án đã và đang triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nhưng chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện với quy mô 95.000 chỗ ở.
Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng phát triển nhà ở, Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại hội thảo |
Theo kế hoạch, trong năm 2019, TP.HCM phấn đấu phát triển thêm 710.000 m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội trong đó có 120.000 m2 sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân. Cũng trong năm 2019, Sở Xây dựng cũng đã rà soát một số quỹ đất công tại Linh Trung, Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện cũng gặp phải không ít vướng mắc.
“Muốn có nhiều nhà lưu trú cho công nhân, nhà nước cần ưu đãi thuế cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp đồng thời huy động vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay xây dựng nhà ở xã hội”- ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay thủ tục, tiêu chuẩn nhà lưu trú công nhân chưa rõ ràng, chưa có sự phân biệt cụ thể đối với nhà ở thương mại. Thậm chí thủ tục làm nhà cho người thu nhập thấp còn kéo dài hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.
Ông Đực cho rằng, nếu đã có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bất động sản thì cũng cần có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp làm nhà lưu trú công nhân. Ngoài ra chính quyền địa phương cần có quy hoạch nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để thuê hoặc bán cho công nhân. Muốn thành công trong vấn đề này, doanh nghiệp đóng góp 30%, phần còn lại phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước.
Khai mạc kỳ họp QH: Bàn chuyện sát sườn anh công chức, chị công nhân
Sáng nay, kỳ họp thứ 7 QH khóa 14 khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình dự kiến, kỳ họp diễn ra trong 20 ngày.
Thảo Nguyên