- Dịch tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết tiếp tục có diễn biếnphức tạp trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H5N1 bắt đầu hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát cao.


Tay chân miệng, sốt xuất huyết vẫn nóng

Theo thống kê của Bộ Y tế, 9 tuần đầu tiên của năm 2012 (tính đến 13/3) cả nước đã có 12.500 trường hợp mắc tay chân miệng tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2011 thì con số này có sự khác biệt lớn. Cụ thể: 9 tuần đầu tiên của năm 2011 cả nước ghi nhận 1.675 ca mắc và không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, mới bước vào đầu năm 2012 nhưng cả về số mắc lẫn số tử vong vì bệnh tay chân miệng đều tăng mạnh.

Bộ Y tế đưa ra nhận định dịch sẽ còn diễn biến phức tạp trên diện rộng trong năm 2012, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm đỉnh dịch.

Dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước (Ảnh minh họa: VietNamNet)
Trước tình hình này, trong tháng 3, Bộ Y tế đã tổ chức 3 đoàn công tác liênngành đi kiểm tra hoạt động chống dịch tại các địa phương. Cùng với đó, Bộtrưởng Bộ Y tế đã phân công 12 đoàn công tác hỗ trợ 63 địa phương trong suốt nămthay cho việc cử đoàn theo đợt, hết đợt lại cử đoàn mới như năm 2011.

Mới đây nhất (ngày 16/3), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có chuyến thị sát thực tế công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Tại buổi làm việc với UBND TPHCM, ông Long đã đề nghị lập TP vành đai chống dịch và triển khai mạnh các hoạt động phòng chống dịch bằng tất cả nguồn lực của cả hệ thống chính trị để tránh dịch lây lan rộng hơn.

Năm 2011, dịch tay chân miệng nóng rực trong khu vực phía Nam nhưng đầu năm 2012, sức nóng của dịch đã lan rộng ra cả khu vực phía Bắc. Cả năm 2011, bệnh viện nhi Trung ương tiếp nhận 1.100 trẻ mắc bệnh nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2012, số ca mắc bệnh đã là 320 trẻ.

Để nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với công tác phòng chống dịch tay chân miệng, ngày 15/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong cả nước đề nghị quyết liệt chống dịch đang bùng phát dữ dội ở các địa phương. Bà Tiến cũng đề nghị giao trách nhiệm cho lãnh đạo cơ sở y tế điều trị và chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tử vong tại cơ sở.

Bên cạnh dịch tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết cũng đang trở lại và hoành hành mạnh, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam. Theo thống kê, có tuần tại TPHCM có tới trên 140 ca mắc sốt xuất huyết mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tại TP này lên 1.700 trường hợp.

Tại Hà Nội, do thời tiết đang ở giai đoạn chuyển giao giữa mùa xuân – hè nên môi trường, khí hậu có nhiều bất lợi khiến các bệnh nhân mắc các bệnh về sốt virus, hô hấp gia tăng mạnh.

Dịch cúm gia cầm hạ nhiệt

Trong khi dịch bệnh trên người đang diễn biến phức tạp thì dịch cúm gia cầm H5N1đã hạ nhiệt. Ngày 13/3, cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch cúm gia cầm tổ chức tại Hà Nội, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra nhận định: “Dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế”.

Dịch cúm gia cầm đã hạ nhiệt nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn cao (Ảnh minh họa: Internet)
Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 59 xã, phường thuộc 14 tỉnh, thành phố; chủ yếu là các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; tổng số gia cầm đã tiêu hủy là 66.479 con. Các ổ dịch kể trên đã được kiểm soát và dịch đang có chiều hướng giảm.

Hiện tại, cả nước còn 2 tỉnh là Hà Tĩnh (qua 20 ngày) và Hải Dương (qua 18 ngày) có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và không có ổ dịch mới phát sinh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Thú y, trong thời gian tới, khả năng sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện các ổ dịch nhỏ, lẻ trên đàn gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao.

Để kiểm soát dịch bệnh triệt để, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ phân bổ 13 tỷ đồng để mua vaccine phòng cúm năm 2012.

N.Anh