Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả huyện, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng”, chính quyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của mọi người, đặc biệt là người dân trong xây dựng nông thôn mới từ đó tạo nên phong trào sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn xã.

{keywords}
Sau 10 năm thực hiện, Bắc Giang hiện đã có 100/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 49,3%.

Ðến hết tháng 8/2019, toàn tỉnh có 100/203 xã đạt chuẩn, chiếm 49,3% (tăng 32,6% so năm 2015, cao hơn bình quân khu vực miền núi phía bắc 22,85%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII từ 9,3% - 14,3%, vượt 9,9% mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 1865/QÐ-TTg ngày 23-11-2017 trước hai năm); có ba đơn vị (huyện Việt Yên, TP Bắc Giang và huyện Lạng Giang đã có 100% số xã đạt chuẩn); 10/10 huyện, thành phố đã có xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh có 114/203 xã đạt chuẩn, chiếm 56,6%.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách đúng tâm tư, nguyện vọng nên đã huy động sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt khá toàn diện, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trước 2 năm.

Lộ thông, tài thông

Tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM như: xây dựng phòng học trường mầm non, cứng hóa đường trục chính nội đồng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, mô hình ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt năm 2017, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07/NQ-HÐND về cơ chế hỗ trợ xi-măng làm đường trục thôn, liên thôn, đường nội đồng đã tạo được phong trào trong huy động nguồn lực "cứng hóa" đường giao thông. Từ năm 2017, dự kiến đến hết năm 2019 toàn tỉnh thực hiện hơn 4.000 km giao thông nông thôn.

Thực tế đổi thay cho thấy, một trong những vấn đề giúp nông thôn thay đổi chính là hệ thống đường giao thông. Đến nay các xã trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, các tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa.

Xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa đã đạt 19/19 tiêu chí và hoàn thành mục tiêu cán đích nông thôn mới từ năm ngoái. Ông Đỗ Xuân Hồng- Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ chia sẻ,  thời gian đầu khi bắt tay vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Song bằng ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đoàn kết, nỗ lực quyết tâm và hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Nhiều nội dung của Chương trình đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, trong đó có phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi được trên 18.000 m2, góp tiền trên 213 tỷ đồng, xây dựng và nâng cấp được trên 137 km đường trục thôn, đường ngõ xóm, 20 km đường kênh mương, khơi thông cống rãnh, nạo vét kênh mương nội đồng và xây dựng hơn 20 km đường hoa.

Tỷ lệ đường liên xã được cứng hóa đạt 98,06%. Tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt 81,19%. Số tiêu chí đạt bình quân chung toàn tỉnh là 15,5 tiêu chí/xã trở lên. Huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Trần Công Thắng- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được HĐND, UBND tạo điều kiện thực hiện, nhân dân đồng tình cao.

Khi tỉnh triển khai thực hiện chương trình này, HĐND tỉnh cũng đưa ra Nghị quyết số 06, 07 và Tỉnh ủy có hẳn một Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã hiến hàng ngàn mét đất, hàng vạn ngày công. Đặc biệt đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tất cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành.

Bài: Vũ Văn Điệp - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV