Phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”  đã huy động được 26.043 hộ dân hiến trên 2,9 triệu m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.

Sáng 28/11, TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025.

{keywords}
NTM ở TP.Hồ Chí Minh: 26.043 hộ dân hiến trên 2,9 triệu m2 đất để mở rộng đường

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, kết quả cho thấy, khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp: Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 - năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (15,73 triệu đồng/người/năm). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

TP không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo TP được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm: hộ nghèo tại 5 huyện năm 2010 còn 42.045hộ/291.686 hộ, chiếm tỷ lệ 14,41%. Tính đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ <21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện.

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 502 triệu đồng/ha/ năm 2018 (cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả: Lũy tiến từ năm 2010 đến nay, 5 huyện đã phê duyệt 25.739 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 12.548,562 tỷ đồng, tổng vốn vay 7.759,321 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư/phương án năm 2010 là 321 triệu đồng/phương án đã nâng lên 1,51 tỷ đồng/phương án năm 2019.

Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt tại 5 huyện là 604,282 tỷ đồng, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, sẽ huy động được 21 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 13 đồng, huy động trong dân là 8 đồng. Qua việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho 60.311 lao động; đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Lan