Sáng 22/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì buổi họp báo, cung cấp thông tin xung quanh vấn đề liên quan đến TP Thủ Đức.

{keywords}
Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan: Chính quyền TP Thủ Đức phải hoạt động xuyên suốt

Ông Hoan nhắc lại, từ hôm nay (22/1), chính quyền TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động. Các hoạt động của chính quyền cũ sẽ phải chấm dứt.

Theo ông Võ Văn Hoan, những thời điểm như thế này rất quan trọng, rất nhạy cảm, tác động không chỉ trong tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ mà ảnh hưởng rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp.

"Mặc dù biết trước nhưng vẫn lúng túng, trong quá trình thực hiện cụ thể thì càng chậm. Do đó, chúng tôi phải xử lý thường xuyên, đột xuất việc phát sinh", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng nói rõ, đối với việc của dân, DN, thực hiện đúng nguyên tắc pháp luật là quản lý Nhà nước trực tiếp, xuyên suốt. Bộ máy hành chính có thể thay đổi, nhưng các điểm cầu phải duy trì thường xuyên.

TP chia làm 3 loại công việc. Một là với dân, tất cả phải xử lý như ngày thường, tức là không từ chối bất cứ yêu cầu, nhu cầu nào, người dân đòi hỏi cơ quan Nhà nước đều phải phục vụ.

Hai là, dù gom ba quận về một, nhưng các phòng của TP thì vẫn ở trụ sở cũ, thực hiện nhiệm vụ cũ và duy trì bộ máy cũ. Không có gì bất cập. Trưởng phòng sẽ phân công nhiệm vụ cho một số phó phòng - gọi là phó phòng phụ trách khu vực quận 2, quận 9, quận Thủ Đức.

Phó phòng chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động của một khu vực, trừ nội dung thuộc thẩm quyền của trưởng phòng. Với cách bố trí như vậy, ông Hoan cho rằng không ảnh hưởng gì đến hoạt động của người dân.

Tương tự, ông Hoan cho biết, bộ máy UBND TP Thủ Đức có một chủ tịch và một số phó chủ tịch. Có thể số lượng cấp phó nhiều hơn quy định, nhưng vì đây là thời điểm chuyển tiếp nên tạm chấp nhận và sẽ từng bước quay lại đúng quy định.

Cách điều hành của chính quyền TP Thủ Đức theo hướng, phân công phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, nhưng đồng thời kết hợp với phụ trách khu vực. 

Theo ông Hoan, trước mắt 1-2 tuần, TP Thủ Đức phải có quy chế phân công hoạt động, sau đó sẽ hoàn thiện dần.

Bộ máy mới phải vận hành theo cơ chế mới và phụ thuộc vào con dấu, nhưng sử dụng con dấu sao cho hiệu quả, kịp thời cũng là một bài toán.

“Trong hôm nay, UBND TP Thủ Đức, UBND các phường, các văn phòng và bộ phận tiếp công dân đã có con dấu để triển khai thực hiện. Chỉ còn con dấu các phòng thì TP đang chuẩn bị để trong sáng mai có thể triển khai thực hiện”, ông Hoan thông tin.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng cho biết, một số công việc vẫn phải sử dụng con dấu cũ song song với con dấu mới. Đây là điểm băn khoăn, nhưng không có giai đoạn chuyển tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Con dấu cũ được sử dụng trong 2 ngày 22-23/1 và sẽ kết thúc. Việc này để giải quyết những việc có liên quan đến kiểm kê, lập biên bản để củng cố hồ sơ pháp lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng đang dở dang.

Đổi giấy tờ theo nhu cầu

Về chuyển đổi giấy tờ cho người dân, ông Hoan cho biết, sẽ đổi theo nhu cầu của người dân.

Loại giấy tờ không xác định thời hạn thì còn có giá trị, dù tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước có thay đổi. Giấy tờ không đổi vẫn có hiệu lực trên toàn quốc, không chỉ TP Thủ Đức, giấy tờ có thời hạn thì cứ theo thời hạn.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm

Nói thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, tất cả giấy tờ của người dân do thay đổi về sắp xếp đơn vị hành chính, cơ quan chuyên môn sẽ đổi và không thu phí.

Đây là đổi theo nhu cầu chứ không phải đổi hết, như CMND có hiệu lực thì được sử dụng, các loại giấy tờ của người dân thuộc 3 quận của TP Thủ Đức còn thời hạn thì vẫn còn giá trị hiệu lực.

Nếu đổi sang giấy tờ mới, trong đó vẫn lưu lại địa chỉ cũ để dễ theo dõi và cập nhật.

Chủ tịch huyện Nhà Bè được bầu làm Chủ tịch TP Thủ Đức

Chủ tịch huyện Nhà Bè được bầu làm Chủ tịch TP Thủ Đức

HĐND TP Thủ Đức trong kỳ họp lần thứ nhất diễn ra vào sáng nay (22/1), đã bầu ông Hoàng Tùng, Chủ tịch huyện Nhà Bè giữ chức Chủ tịch TP Thủ Đức.

Hồ Văn - Bảo Anh