Trong khi Nghị quyết và nhân dân chờ đợi một cơ chế "phán quyết" thì Dự thảo lại đưa ra một cơ chế "kiến nghị, yêu cầu, tham vấn", không có khả năng vô hiệu hóa một hành vi vi hiến.

Nhằm thể chế hóa nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI liên quan xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách hệ thống tư pháp, Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013 lần đầu tiên đưa vào một chế độc lập về giám sát hiến pháp chuyên trách với tên gọi là Hội đồng Hiến pháp.

Tuy nhiên sự thể chế quá dè dặt, thận trọng, làm dấy lên quan ngại: Liệu chế định này đã thể chế đúng nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc hay chưa? Sẽ mang lại những tác động gì đến sự phát triển của đời sống hiến pháp? Có ẩn chứa rủi ro pháp lý nào không?

Theo Điều 120 Dự thảo:

"1. Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.

2. Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.

3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định".

Quyền lợi của người dân bị vi xâm phạm bởi hành vi vi hiến sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến chừng nào các cơ quan được "kiến nghị, yêu cầu" lắng nghe và tiếp thu.

Điều 120 Dự thảo đã tìm cách thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam được nêu tại Mục XI Điểm 2 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (gọi tắt là Nghị quyết ĐH X) và Mục XI Điểm 1 Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (gọi tắt là Nghị quyết ĐH XI). Tuy nhiên, sự dè dặt, thận trọng của Dự thảo đã làm cho mục đích cao đẹp của Nghị quyết ĐH X & ĐH XI không đạt được, đồng thời chứa đựng những rủi ro cho tương lai phát triển hiến pháp của Việt Nam.

Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội X & XI đặt ra mục đích "Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp". Trong khi Nghị quyết và nhân dân chờ đợi một cơ chế "phán quyết" thì Dự thảo lại đưa ra một cơ chế "kiến nghị, yêu cầu, tham vấn" hay có thể gọi là cơ chế phản biện sau. Cơ chế này không có khả năng vô hiệu hoá, dừng hiệu lực thi hành một hành vi vi hiến.

Hay nói cách khác, quyền lợi của người dân bị vi xâm phạm bởi hành vi vi hiến sẽ phải tiếp tục chờ đợi cho đến chừng nào các cơ quan được "kiến nghị, yêu cầu" lắng nghe và tiếp thu; nếu các cơ quan này không tiếp thu ý kiến của Hội đồng Hiến pháp hoặc chưa có thời gian để chỉnh sửa thì một đạo luật vi hiến vẫn tiếp tục đi vào cuộc sống.

Thứ hai, kể cả với mục đích khiêm tốn: "tạo ra cơ chế phản biện sau" đối với cách hành vi có dấu hiệu vi hiến, thì những quy định trong Dự thảo để trống nhiều vấn đề có thể dẫn tới rủi ro cho sự phát triển hiến pháp về sau.

Khoản 1 Điều 120 chỉ nói rằng Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội thành lập, nhưng không đặt ra những tiêu chí tối thiểu, cách thức đề cử, bổ nhiệm thành viên Hội đồng Hiến pháp mà để vấn đề này cho các đạo luật quy định. Điều này có thể dẫn tới việc Hội đồng Hiến pháp trở thành chỗ về hưu danh giá của các chính trị gia không muốn rút lui khỏi chính trường - mà kinh nghiệm của Hội đồng Hiến pháp Cộng hòa Pháp trong giai đoạn 1958 - 1967 đã chứng minh điều này.

Thứ ba, Khoản 2 Điều 120 không có một từ nào cho chúng ta thấy các "kiến nghị, yêu cầu" của Hội đồng Hiến pháp sẽ xuất phát từ đâu. Động lực nào để thúc đẩy Hội đồng Hiến pháp đưa ra các "kiến nghị, yêu cầu"? Nếu các cơ quan hiến định không có quyền yêu cầu Hội đồng Hiến pháp phải xem xét một hành vi mà theo họ là vi hiến và đã xâm lấn "nhiệm vụ, thẩm quyền, chức năng" của mình, thì Hội đồng Hiến pháp không có chức năng cân bằng, kiểm soát quyền lực mà Nghị quyết ĐH XI đặt ra.

Nếu công dân và Tòa án tối cao trong quá trình xét xử các vụ án cụ thể không có quyền đệ trình yêu cầu Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của một hành vi đang làm ảnh hưởng quyền lợi của các đương sự trong một vụ án, thì Hội đồng Hiến pháp cũng không có tác dụng bảo vệ công dân trước các hành vi vi hiến, trong khi một khoản tiền thuế không nhỏ của công dân sẽ được chi dùng cho trụ sở và một bộ máy mới được thành lập.

Theo Khoản 3 Điều 120 Dự thảo, các rủi ro này có diễn ra trên thực tế hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung các đạo luật của Quốc hội (vốn là đối tượng kiểm hiến) mà không được phòng ngừa ngay từ trong Hiến pháp.

Lời kết

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế chính trị văn hóa xã hội chưa sẵn sàng cho việc triển khai một cơ chế phán quyết hiến pháp đầy đủ theo tinh thần của Mục XI Điểm 2 Nghị quyết Đại hội X (về cơ chế tài phán hiến pháp đầy đủ xin xem bài Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp - Những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia) , thì chiến thuật "đặt một bàn chân" của Điều 120 Dự thảo thể hiện mong muốn nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, tái xác lập tài phán hiến pháp trên đất nước Việt Nam là một nỗ lực dũng cảm rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, không tránh khỏi băn khoăn về hiệu quả và tác động lâu dài của chiến thuật này sau khi đánh giá ba rủi ro nêu trên. Nếu không trù liệu và khắc phục được những rủi ro nêu trên, thì Hội đồng hiến pháp rất có thể trở thành vật cản trên con đường tiến tới một cơ chế phán quyết hiến pháp đầy đủ.

Võ Trí Hảo, TP. Hồ Chí Minh