Chuyên mục “Khát vọng Vì Việt Nam hùng cường” trên Tuần Việt Nam, VietNamNet là một chủ đề lớn, có tính đột phá cao mang nội dung thời đại sâu sắc. “Vì Việt Nam hùng cường” đã góp phần đổi mới tư duy, nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Trước hết là đổi mới tư duy trên nhiều lĩnh vực, nhưng rõ nhất là trên 3 vấn đề cốt lõi có ý nghĩa mở đường như sau:

Chúng ta đang từng bước xa dần tư duy truyền thống là luôn luôn tự so mình với chính mình, so ngày hôm nay với ngày hôm qua thấy khá lên một chút, nhích lên một tý là tự vui, tự hào, tự sướng, tự tụt hậu để thay thế bằng tư duy mới là dũng cảm so mình với thế giới xem ta đang ở đâu và ta phải làm gì để không thua kém anh em, bạn bè quốc tế, sớm sánh vai các cường quốc 5 châu như Bác Hồ căn dặn.

Chúng ta phải tích cực đổi mới cơ chế từ dễ quản lý sang dễ làm giàu để khích lệ kinh tế toàn dân phát triển hết ga, hết tầm, trong đó quan tâm 3 loại hình kinh tế quan trọng nhất là: kinh tế hộ, kinh tế tư nhân và kinh tế doanh nghiệp.

Chúng ta phải nhất quán, cái gì nhà nước không cấm thì mở toang cửa cho nhân dân tự quyết, tự chủ, tự làm. Phát sinh doanh thu thì nộp thuế cho nhà nước, làm sai thì xử nghiêm theo pháp luật hiện hành. Tránh thực trạng xin - cho chờ đợi nản lòng, nhụt chí mất thời cơ phát triển.

{keywords}
Cái gì nhà nước không cấm thì hãy mở toang cửa cho nhân dân 

Thứ hai là góp phần đổi mới nhận thức trong thời đại toàn cầu hóa với 4 nội dung cốt lõi: công dân toàn cầu, nhân lực toàn cầu, thị trường toàn cầu và ngôn ngữ toàn cầu.

Công dân toàn cầu là tìm việc làm, tạo ra sản phẩm do cung cầu trong nước và thế giới.

Nhân lực toàn cầu là lao động trong nước phải tự tin, chủ động vươn ra thích ứng với nhu cầu quốc tế. Ngược lại khi lao động trong nước chưa đáp ứng thì nên thuê lao động có chất lượng cao của thế giới thay thế, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, vừa cử cán bộ có đào tạo tiếp cận học hỏi, vừa được trước mắt vừa được lâu dài. Bài học Vietnam Airlines thuê phi công nước ngoài, tập đoàn Vingroup thuê chuyên gia công nghệ quốc tế sản xuất ra ô tô Vinfast đã chứng minh rất rõ.

Thị trường toàn cầu là chúng ta ngồi một chỗ nhưng tác nghiệp, ứng dụng, kết nối với cả thế giới để lựa chọn việc làm, tìm kiếm lợi ích cho mình, cho dân tộc mình trên bình diện quốc tế, cơ hội rất lớn, mặt bằng tác nghiệp rộng mở hơn nhiều.

Ngôn ngữ toàn cầu là hợp tác với nước nào phải có vốn ngoại ngữ, văn hóa, luật pháp nước đó, trong đó ưu tiên số một là tiếng Anh, thì mới tự chủ, tự tin hợp tác và thành công.

Thứ ba là đổi mới hành động quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhưng trọng tâm nhất là 3 lĩnh vực được coi là cổ thắt đang kìm hãm sự phát triển nhanh của dân tộc ta đó là thể chế, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Đổi mới thể chế theo hướng cải tạo môi trường cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Ví như ao nước tù sẽ sinh ra con cá màu đen, chúng ta quyết tâm bắt hết cá màu đen thay thế bằng cá màu trắng thì sau vài ba tháng cá màu trắng lại chuyển thành cá màu đen. Vấn đề chính là khử màu lọc nước thì ngay cá màu đen cũng sẽ trắng dần ra.

Triệt để ứng dụng các thành quả của khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và quản lý; coi đây là thành quả vĩ đại của nhân loại ban tặng. Bởi con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo nhất khi hội đủ 3 điều kiện: luật pháp đồng bộ; đạo đức công vụ được nâng cấp và công cụ kỹ thuật hỗ trợ để giám sát và quản lý chính xác, minh bạch, kịp thời.

Tích cực đổi mới giáo dục và đào tạo theo 4 hướng cơ bản nhất: nếu như thế kỷ 20 học vì phải có bằng cấp để dễ xin việc làm (nên người ta mua bằng, mua điểm là chuyện bình thường) thì hiện nay học phải có kiến thức thực sự để tự tạo ra việc làm. Nếu như trước đây học để làm cán bộ thì nay phải học để biết làm giàu chân chính mới làm cán bộ tốt. Nếu như trước đây học vâng lời thì nay phải học phản biện. Trước đây học để có sơ yếu lý lịch đẹp, thì nay học để cải tạo và tôn vinh chính mình.

Cuối cùng phải nhận thức rằng: mọi sự đổi mới luôn bắt đầu và lệ thuộc vào việc đổi mới cán bộ. Cha ông ta dạy rằng: muốn có khát vọng lo cho muôn nhà thì phấn đấu làm “quan”. Còn định chỉ lo cho một nhà thì tốt nhất là làm dân. Chúng ta đang tiến gần đến Đại hội 13 của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quan tâm và đề cập nhiều đến nội dung này. Báo chí cũng phân tích khá nhiều, rộng và sâu; với góc độ cá nhân tôi xin nói vài suy nghĩ của mình.

Theo tôi cán bộ lãnh đạo lúc này nên quan tâm 3 tiêu chuẩn: Đức, Tài và Bản lĩnh.

Trước hết, Đức phải gắn với Tài và đều phải coi trọng như nhau. Bởi vì có đức mà không có tài thì dễ trì trệ. Có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” (Bác Hồ). Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng rối. Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là vùng đất tốt, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt gieo trên vùng đất màu mỡ thì sẽ đơm hoa kết trái tốt. Đức là tín nhiệm của dân, tài là được dân tôn vinh, nể trọng. Khi hội đủ cả 2 điều kiện đó cán bộ sẽ tiến bộ, đất nước phát triển, lòng dân yên vui.

Trong tình hình hiện nay cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt ngoài đức và tài cần có thêm bản lĩnh. Bản lĩnh là dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ ra cái mới để phát triển đột phá. Dám làm để đưa cái mới đúng đắn vào cuộc sống và dám nói để ngăn chặn tiêu cực. Trên thực tế rất nhiều cán bộ sai phạm, dân biết hết mà các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước lại biết rất chậm, đến khi đổ vỡ buộc phải xử lý thì trả giá quá cao, vừa mất cán bộ vừa suy giảm uy tín của Đảng.

Ở đây có 2 bài học đắt giá. Một là, khi Đảng chọn cấp trên không chuẩn thì cấp dưới tìm một chỗ đứng an lành là rất khó. Không làm theo cấp trên thì không mất chức cũng chẳng yên thân, mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường. Hai là, né tránh, hữu khuynh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám nói; thủ tiêu đấu tranh cũng là tiếp tay, dung dưỡng cho người xấu, việc xấu hình thành và phát triển. Phải hiểu trong xây dựng Đảng nghiêm túc với nhau mới là đạo đức, dễ dãi với nhau sẽ là tội ác.

Trên đây là một vài ý kiến nhỏ, xoay quanh một chủ đề lớn khát vọng vì Việt Nam hùng cường xin được mạnh dạn trao đổi với bạn đọc.

Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông