Bài của anh đăng trên tuần báo The Observer Magazine dưới chuyên mục mang cái tên hiền lành: “Chuyện của những người lữ hành” song đầu đề là “Liệu cuộc oanh tạc của bê tông có vượt lên máy bay B52 Mỹ mà huỷ diệt Hà Nội?”.

Xem bài 1 và các bài khác cùng chủ đề: Khách quốc tế "nói thật lòng" về Hà Nội

Hà Nội ngày nay, riêng nội thành đã rộng gấp mấy Hà Thành của tôi thời ấy. Tôi tin, trong mấy triệu cư dân Hà Nội, kể cả những vị chào đời trên đất Thăng Long, không nhiều lắm những người có dịp nhìn toàn cảnh thủ đô ta, ngoại trừ qua phim ảnh.

Tôi mặc cảm mình chưa là người Hà Nội còn bởi lẽ, mỗi lần có việc đến một nào đó trong Hà Nội trên những con phố mới dài thẳng thoáng, thỉnh thoảng tôi lại phải hỏi anh lái xe: “Phố gì đây, hả cậu?”.

Ai cũng biết to rộng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với đẹp xinh, nhiều khi đối nghịch nhưng đô thị phải đủ rộng mới có thể tự thân phát triển. Nhìn những tòa nhà ngất ngưởng phô cái sáng sủa, ngạo nghễ, ngay hàng thẳng lối dưới mặt trời Hà Nội, và chẳng phải không hay biết gì về những vấn đề cư dân các nơi đó đang đối mặt, lòng tôi vẫn không nén được tự hào rằng Hà Nội thay đổi nhanh, tự hào mình là dân Hà Nội lâu năm mặc cho giọng nói nặng vùng quê còn đó bất chấp tháng ngày. Hà Nội của ta ngày nay, về diện mạo đâu có thua kém quá xa nhiều nơi khác.

Nhiều bạn nước ngoài không tiếc lời ngợi ca vẻ đẹp cái hồn cảnh quan Hà Nội, lịch sự ý tứ con người Hà Nội. Họ chọn VN hay Hà Nội nói riêng làm nơi sinh sống lâu dài và đã chân thành góp ý với ta về những việc chưa hài lòng, những điều họ nghĩ đáng cho ta quan tâm.

Cách đây khá lâu, thời bắt đầu đổi mới, tín hiệu khởi sắc đã rõ dù đất nước còn đối mặt muôn vàn khó khăn. Một lần tôi sang London công tác, có dịp làm quen một nghị sĩ trẻ tên là Chris Mullin, thuộc cánh tả Công đảng Anh. Ông là ký giả chuyên nghiệp từng làm việc cho nhiều tờ báo lớn như Daily Mirror, Tribune, Sunday Magazine... Cũng có viết tiểu thuyết, vừa cho xuất bản tác phẩm nhan đề tạm dịch Người cuối cùng rời khỏi Sài Gòn (The Last Man Out of Saigon).

Mấy năm sau, có việc sang châu Âu, tôi “ăn Tết” ta tại London và được dự buổi đại sứ quán ta vui tất niên với kiều bào. Lại gặp Chris Mullin. Năm ấy London rét lắm. Khắp hè phố, đặc biệt công viên Hyde Park phủ tràn tuyết trắng. Ông đi cùng vợ, đẩy chiếc xe nôi chở cháu gái đầu lòng mang hai dòng máu Anh và Việt ủ dưới đống chăn dày. Chris vừa sang Việt Nam về, anh hứa sẽ gửi cho tôi đọc một số bài mới viết.

{keywords}
  Ô Quan Chưởng Hà Nội. Ảnh: Khampha

Bài của anh đăng trên tuần báo The Observer Magazine số ra ngày 19-1-1994 dưới chuyên mục mang cái tên hiền lành: “Chuyện của những người lữ hành” song đầu đề giật gân là “Liệu cuộc oanh tạc của bê tông có vượt lên máy bay B52 Mỹ mà huỷ diệt Hà Nội?”.

Tác giả viết: “Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Có khoảng hai mươi hồ, những con đường rợp hàng me, nhiều vila sang trọng và tòa nhà nguy nga. Mấy chục năm chiến tranh và nền kinh tế rập theo mô hình Stalin làm Hà Nội trì trệ nhưng không bị phá huỷ. Trong khi Bangkok, Đài Bắc, Manila trở thành những đô thị ô nhiễm nặng nề thì Hà Nội tồn tại gần như nguyên vẹn.

Các nhà lãnh đạo VN có lẽ đã nhận thấy sai lầm của cả nước láng giềng. Họ không cho phép lặp lại sự huỷ diệt thành phố cổ như tại Bangkok, Manila hay Los Angeles. Tuy nhiên trên thực tế đó là điều đang  diễn ra. Người Hà Nội sau nhiều năm mệt mỏi vì nghèo nàn, lạc hậu hào hứng đón chào thị trường tự do. Mấy năm qua, mức sống của người Việt Nam tăng đáng kể. Hình như mọi sự đổi mới trên đời đều đi từ thái cực này sang thái cực kia. Cơn sốt bê tông đã xuất hiện ở Hà Nội (…) TP. HCM với dân số khoảng sáu triệu người, đầu những năm 1980 khi tôi đến đây chỉ thấy toàn xe đạp, nay xe Honda được nhập với nhịp độ kinh hoàng 75.000 chiếc/tháng, chưa tính xe nhập lậu. Nếu đến cuối thế kỷ này một phần mười số xe máy ấy đổi thành xe hơi thì ác mộng Bangkok đến…

Hà Nội ít nhất cho đến nay (khoảng 1993) vẫn còn khu phố cổ nguyên vẹn nhưng thời gian đang phá huỷ nó. Được biết Viện Quy hoạch Đô thị có lên một kế hoạch phát triển nhịp nhàng Hà Nội, trình UNESCO đã hai năm song không hề nhận hồi âm. Tuy nhiên, cái thiếu hơn cả không phải tài chính mà là thiếu ý chí chính trị. Sự xuất hiện ngày càng nhiều xe hơi tư nhân ở phố cổ có thể là bước khởi đầu tốt. Kiểm soát nghiêm ngặt những ngôi nhà mới xây là một điều tốt hơn cần thực hiện. Nếu có ý chí chính trị, chắc không khó tìm ra viện trợ nước ngoài”.

“Trớ trêu thay, một đất nước từng đau khổ nhiều bởi những kẻ tham tàn ngoại quốc mà họ đã phải trả giá cao để chiến thắng, hiện đang thua cuộc về văn hóa” - bài báo kết luận [1].

Anh Đào Duy Tùng hồi ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư bảo tôi nên gửi cho mấy anh lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội cùng xem…

{keywords}
Khu liên hợp Thể Thao Mỹ Đình tồn tại từ lâu một khu chợ với dãy lán nhếch nhác trải dài gần nửa cây số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Một câu chuyện khác gần cùng thời gian.

Một đoàn doanh nhân Mỹ tới VN tìm hiểu thị trường. Tham gia đoàn, với danh nghĩa không chính thức, có một nghị sĩ thế lực, nghe nói là Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách QH Hoa Kỳ. Tôi có dự bữa cơm thân mật ta mời riêng ông và người phụ tá tại một nhà hàng tư nhân ở Hà Nội. “Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của Hoa Kỳ” - ai đó phát biểu. Vị chính khách Mỹ: “Vâng, Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi hoan nghênh và đề nghị quý vị nên tham khảo cả kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm không thành công của Mỹ”.

Mọi người lắng tai. Ông nói tiếp: “Như vấn đề giao thông đô thị. Hôm nay, tôi đã mất khá nhiều thời gian để từ khách sạn đến đây để được dự cuộc gặp mặt tuyệt vời cùng các vị. Tại Mỹ, vấn đề vận tải công cộng được đặt ra rất sớm, và nhà nước chúng tôi liên tục đầu tư vào đó khoản ngân sách khổng lồ. Đồng thời, do lợi ích khác nhau, ngành công nghiệp xe hơi cùng lúc chạy đua sản xuất và cải tiến, cải tiến và sản xuất, ào ạt tung xe con ra thị trường, mà mục tiêu cải tiến hàng đầu là tiện nghi và tốc độ bất chấp giá cả. Hợp với tính người Mỹ chúng tôi. Báo chí, truyền thông quảng cáo hết mức. Các kiểu xe con đời mới, ngồi lên xe bấm nút chỉ mấy giây sau đã đạt tốc độ trên trăm kilômét/giờ”.

“Vậy là hằng năm nhà nước và xã hội tốn khoản tiền rất lớn xử lý tai nạn giao thông và hậu giao thông. Một nghịch lý nữa xuất hiện. Đi đôi với tốn rất nhiều tiền xây dựng, nâng cấp đường sá và sản xuất xe tốc độ cao, chúng tôi buộc phải cắm biển báo hạn chế tốc độ trên mọi nẻo đường. Từ đó ra đời một dịch vụ mới tinh vi và tốn kém là kiểm tra, xử phạt thật nặng lái xe vượt quá tốc độ quy định. Các phương tiện vận tải công cộng thì sao? Vẫn phát triển, ngày càng tiện nghi và hằng năm ngân sách tiếp tục khoản chi bù lỗ càng lớn, bởi số hành khách sử dụng phương tiện chung chẳng bao giờ được như mong muốn. Đã hình thành một tập quán xã hội ở người Mỹ chúng tôi: chuyển dịch bằng xe riêng là tiện lợi nhất, thoải mái nhất, sang trọng nhất. Công nghệ dễ dàng đổi thay trong khi tập quán xã hội có sức ỳ của nó...”

Cái khó của nội thành Hà Nội, hay đúng hơn của Hà Nội truyền thống vốn dĩ là không gian chật hẹp và mật độ dân cư cao, nay cộng thêm “tập quán xã hội mới” của người  Việt.

Chắc không phải ngẫu nhiên mà một số nước đang phát triển như Brasil trước đây và Myanmar hiện nay chọn phương án xây dựng thủ đô mới ở nơi khác. Nhiều thuận tiện cho quy hoạch và xây dựng, song chấp nhận bỏ đi nhiều nét đẹp cổ truyền.

Chúng ta đã và đang cố gắng xử lý bài toán khó: làm sao kết nối, kết nối với nghĩa vật chất và nghĩa văn hóa, để hài hòa nội đô cổ truyền với không gian mở rộng. Nói dễ làm khó, chuyện muôn đời.

Tuần trước, các báo đưa tin các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ, đội kinh phí, có cái gấp đôi so với dự toán ban đầu. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kết luận, các dự án ấy “lớn mà chưa có thông lệ ở Việt Nam”, rồi, “đã đến lúc phải chấn chỉnh yếu kém, đẩy nhanh tiến độ”.

Còn nữa

Phan Quang

------

Chú thích:

[1]: Ông Chris Mullin tiếp tục tham gia nghị trường Anh 5 khóa, đến năm 2010 mới tuyên bố không ra ứng cử. Ông cũng có mấy lần tham gia chính phủ do Tony Blair làm thủ tướng (PQ).