-"Làm việc gì cũng phải đi đến cùng, làm một việc thôi chứ bây giờ làm nhiều việc mà hiệu quả không nhìn thấy", ĐBQH Võ Thị Dung (Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc VN Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Giữ tiền nhà nước tiêu vô tội vạ

Còn nhớ ở các kỳ họp trước, nhiều lần, khi phát biểu trên hội trường về những vấn đề liên quan đến đời sống người lao động, bà đã nhiều lần xúc động đến rơi nước mắt. Những cảm xúc trong nghị trường như vậy xuất phát từ đâu?

- Tôi là người rất dễ xúc động.

Từ khi tham gia vào hoạt động Quốc hội, tôi thấy có một điều rất xót xa, đó là, rất nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của nhà nước mà khi triển khai đáng lẽ sẽ đạt kết quả tốt hơn, nhưng cuối cùng lại thất thoát, lãng phí.

{keywords}
ĐB Võ Thị Dung. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thêm vào đó là tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu xài lãng phí của công. Mà nếu dùng số tiền đó cho an sinh xã hội thì sẽ giúp được rất nhiều người nghèo. Đi làm công tác bên MTTQ nên tôi biết, có những đợt vận động vì thiên tai hay hoàn cảnh khó khăn, nhiều người dân bình thường họ chỉ góp một vài chục ngàn, nhưng đó là những tình cảm đáng trân trọng.

Vậy mà, có những người, những nơi giữ túi tiền nhà nước lại tiêu tiền vô tội vạ. Thậm chí, qua các thông tin báo cáo ở Quốc hội, chuyện tiêu hàng trăm tỉ, nghìn tỉ, rồi thất thoát vì những lý do nọ lý do kia khiến tôi rất bức xúc.

Vì những suy nghĩ và tâm trạng như vậy nên khi phát biểu trên hội trường thì tôi rất xúc động, không kiềm chế được...  Mà thật ra, khi so sánh những hình ảnh quá tương phản với nhau như vậy thì có lẽ ai cũng xúc động thôi.

Tuy nhiên, để xảy ra chuyện những chính sách không đi được vào đời sống như vậy cũng một phần do các ĐBQH chưa thể hiện hết vai trò giám sát của mình. Bởi trên nghị trường, rất nhiều ý kiến phê phán tình trạng tiêu xài  lãng phí, thất thoát nhưng rồi tình hình vẫn không chuyển biến gì và Quốc hội cũng không có chế tài nào đặc biệt để hạn chế hay ngăn ngừa? Liệu có lúc nào bà cảm thấy mình bất lực? Đến mức phải rơi nước mắt?

- Tôi nhớ trong phiên thảo luận về đề tài tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư cơ bản trái phiếu chính phủ ở kỳ họp trước cũng có người đề nghị Quốc hội phải tổng kết, đánh giá lại hiệu quả hoạt động giám sát của quốc hội.

Đã là cơ quan giám sát thì phải có cách giám sát hữu hiệu, thực chất. Đã đại diện cho dân thì phải giám sát được việc tiêu xài tiền của dân. Chứ như bây giờ qua các báo cáo thấy hầu như thất thoát, lãng phí cứ xảy ra mà không ai chịu trách nhiệm. Đứng trước thực trạng này, thì rõ ràng trách nhiệm không chỉ ở các cơ quan Chính phủ mà còn có trách nhiệm Quốc hội.

Tôi cũng mong muốn là hoạt động của quốc hội phải hiệu quả hơn, nhưng  có cơ chế để giúp ĐB phát huy tốt vai trò. Chẳng hạn, tăng số ĐB chuyên trách. Chứ nhiều người được bầu không đặt mình vào tâm thế làm ĐBQH mà là do cơ cấu. Thứ ba là các cơ quan chuyên trách của quốc hội, các ủy ban phải hoạt động thì mới có thể giám sát sâu.

Giám sát rất hay nhưng hậu giám sát phải đeo bám chứ không phải giám sát là ra chuyện. Làm việc gì cũng phải đi đến cùng, làm một việc thôi chứ bây giờ làm nhiều việc mà hiệu quả không nhìn thấy.

Mặt khác, kỷ luật cũng phải nghiêm minh. Việc thực hiện Nghị quyết QH mà không đến nơi đến chốn thì lại cũng chẳng kỉ luật ai, trách nhiệm chung chung.

Đừng tạo kỳ vọng quá mức

Vừa làm công tác bên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại vừa hoạt động ở Quốc hội hẳn sẽ giúp bà có nhiều điều kiện lắng nghe tâm tư của người dân?

- Hai công việc này có những điểm tương đồng đó là đều đòi hỏi tôi phải gần gũi, sâu sát hơn với người dân. Đó cũng chính là một điểm thuận lợi, giúp tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều tầng lớp, nhiều giới, từ trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, được nghe nhiều thông tin khác nhau.

{keywords}
ĐB Võ Thị Dung. Ảnh: Lê Anh Dũng

Làm ĐBQH chỉ khác ở chỗ sẽ phải tham gia quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Vì vậy tôi sẽ phải tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, các văn bản pháp luật. Kết hợp giữa lắng nghe nguyện vọng người dân với các chủ trương, chính sách nhà nước. Yêu cầu công việc buộc tôi phải nỗ lực tìm tòi nhiều hơn.

Nhưng rõ ràng khi bà cùng lúc đảm nhận hai vai đó thì sự gửi gắm, tin tưởng của người dân cũng sẽ tăng lên nhiều hơn. Có lúc nào đó bà cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm?

- Việc này xảy ra thường xuyên chứ.

Bởi tuy chức năng của ĐBQH thì rất rõ rồi, nhưng thực tế còn rất nhiều vướng mắc về cơ chế cũng như điều kiện để giúp ĐBQH làm tròn vai.

Người dân gửi gắm nhiều bức xúc nhưng ĐBQH như chúng tôi chỉ có thể phản ánh, kiến nghị vấn đề đó tới cơ quan chức năng. Rồi thực hiện việc giám sát quá trình xử lý đó. Nhiều khi giống như là người đưa thư vậy.

Hoạt động của các ĐBQH kiêm nhiệm như tôi thì hạn chế vướng mắc lớn nhất là về mặt thời gian. Trong khi đó, để phản biện, giám sát thì ĐBQH cần phải rất kiên trì. Bởi vì, có đi đến cùng sự việc thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

Với cá nhân tôi, nhiều việc tôi cũng chưa thể đi đến cùng được cho dù rất muốn. Một phần do không có đủ thời gian, phần khác do thiếu các điều kiện hỗ trợ như chuyên viên, giúp việc....

Tôi cũng cảm thấy mình vẫn còn có sự may mắn hơn so với các ĐBQH kiêm nhiệm khác, đó là sự tương đồng trong công tác mặt trận với công tác bên Quốc hội. Rồi được sự hỗ trợ thông tin của cả hệ thống mặt trận các cấp.

Nhưng tham gia QH suốt thời gian vừa rồi tôi vẫn thấy chưa hài lòng, vẫn thấy còn nợ dân, những việc mình hứa với dân không phải là không muốn thực hiện lời hứa nhưng có những việc rõ ràng khi đi vào thực tiễn có những cái khó khăn lắm nên không đạt được như ý của mình.

Hầu hết các ĐBQH kiêm nhiệm đều thấu hiểu những khó khăn này. Nhưng với cử tri thì họ chỉ biết gửi gắm kỳ vọng vào những người họ đã bầu chọn, không phân biệt ĐB kiêm nhiệm hay chuyên trách. Nên nếu thấy các vấn đề của mình vẫn bị kéo dài, có khi họ sẽ mất lòng tin, vậy chị làm thế nào để được chia sẻ?

- Chắc chắn là các ĐBQH sẽ phải giải đáp cặn kẽ, tỉ mỉ cho cử tri để cử tri hiểu. Đặc biệt là giải thích cặn kẽ chức năng, quyền hạn, giới hạn của người ĐBQH, đừng để tạo ra sự kỳ vọng quá mức cho người dân.

Hơn nữa, mỗi ĐBQH cần phải thể hiện sự cầu thị, lắng nghe và cần làm cho hết trách nhiệm, thì cho dù kết quả xử lý đến đâu cũng sẽ nhận được sự chia sẻ của cử tri.

Với tôi, vẫn còn nhiều việc tôi thấy mình chưa làm được hết cho cử tri. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì cử tri vẫn tìm đến với mình. Vì vậy, nếu tiếp nhận những vấn đề mà chưa thể giải quyết được ngay thì tôi sẽ tìm cách chuyển các nguyện vọng đó của người dân đến đúng địa chỉ.

  • Lê Nhung - Lan Anh