Phiên chất vấn lần này diễn ra sau buổi lấy phiếu tín nhiệm nên khó có thể xảy ra hệ quả trực tiếp nào. Tuy nhiên, các vị bộ trưởng cũng nên nhớ rằng hoạt động đánh giá tín nhiệm từ nay sẽ được tiến hành thường xuyên. Và mỗi buổi "sát hạch" chất vấn trực tiếp cũng vẫn sẽ tiếp tục là dịp để mỗi vị tư lệnh ngành được cử tri chấm điểm.

Chất vấn là hoạt động được trông đợi nhất và thường xuyên "nóng" nhất trong mỗi kỳ họp Quốc hội. Nhưng  có vẻ ở kỳ họp lần này, sức nóng của cuộc lấy phiếu tín nhiệm và các thảo luận khác về Hiến pháp đang phần nào làm "át" đi âm hưởng của phiên chất vấn.

{keywords}
Phiên chất vấn diễn ra sau khi QH đã công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Được trông đợi và quan tâm nhiều nhất mỗi kỳ Quốc hội họp chính là các nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp, mà tâm điểm thường là phiên chất vấn vào cuối kỳ. Chất vấn xong, coi như "bế mạc" kỳ họp.

"Cánh" báo chí săn lùng từ lúc danh sách dự kiến được đệ trình, rồi "chốt" danh sách khi nào, thêm bớt những ai. Độ nóng của phiên chất vấn phụ thuộc vào chính các vị tư lệnh ngành sẽ đăng đàn.  Mỗi kỳ họp, ĐBQH sẽ chấm điểm xem ngành, lĩnh vực nào nóng nhất, bức xúc nhât để gửi câu hỏi chất vấn. Từ khi QH cải tiến chất vấn theo nhóm vấn đề thì số lượng các vị bộ trưởng phải trả lời trực tiếp cũng đông đảo thêm lên. Đặc biệt ở kỳ họp cuối năm, vị "nhạc trưởng" được quan tâm nhất chính là Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm qua, người đứng đầu ngành tài chính, ngân hàng, công thương luôn luôn được đại biểu chọn nhiều nhất. Điều này cũng tương ứng với bức tranh về tình hình kinh tế, xã hội đang diễn ra. Đến độ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thời còn đứng đầu ngành Tài chính, cứ "xuân thu nhị kỳ" lại đăng đàn trả lời chất vấn. Nếu có bị "lỡ" một phiên nào thì cũng lập tức được bố trí trả lời bù vào một phiên họp khác của Ủy ban Thường vụ QH. Chuyện thua lỗ của khối DNNN, các anh cả đỏ đầu tư ngoài ngành, rồi giá điện, xăng.... nhảy múa, cứ "đến hẹn lại lên" trên bàn nghị sự.

Không chỉ "săn" tên tuổi các vị bộ trưởng mà danh tính các ĐBQH gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản cũng được tìm kiếm với độ nóng không hề  kém cạnh. Bởi lẽ, chất lượng mỗi phiên chất vấn phụ thuộc một nửa vào chất lượng các câu hỏi được gửi lên. Không ít ĐBQH ghi dấu ấn trong lòng cử tri bởi những chất vấn trực diện, thẳng thắn, không ngại đụng chạm. Đã có những cuộc "chạm mặt", thậm chí đấu khẩu trực tiếp giữa nghị trường.

Còn nhớ tại những kỳ họp trước, hàng loạt vấn đề mà dư luận quan tâm như xây sân golf trên đất lúa, khai thác bôxit, nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng... vốn dĩ không có trong chương trình nghị sự nhưng vẫn được các ĐBQH truy trách nhiệm tới bộ trưởng đến nơi đến chốn. Mọi vấn đề được vỡ vạc ra cũng từ đây. Mọi sự công khai, minh bạch chính là từ những phiên họp được truyền hình trực tiếp như vậy.

Đặc biệt, những năm về trước, khi chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm còn chưa đi vào thực tế, thì mỗi kỳ chất vấn cũng được cử tri xem như một đợt sát hạch tín nhiệm các vị tư lệnh ngành cũng như để đo  lường chất lượng hoạt động Quốc hội một cách rõ ràng nhất. 

Tại kỳ họp này, phiên chất vấn vẫn được bố trí vào gần cuối kỳ họp, giống với thông lệ. Quy trình gửi danh sách dự kiến, chốt nội dung câu hỏi... vẫn tuần tự diễn ra như thông lệ.

Nhưng khác thông lệ, phiên chất vấn lần này lại diễn ra ngay sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm mang tính chất lịch sử. Sức hút cũng như dư âm từ kết quả của cuộc đánh giá tín nhiệm khá mới mẻ tại Quốc hội dường như đã làm phân tán mọi mối quan tâm đến hoạt động chất vấn. Chưa kể, các lĩnh vực được chọn lựa lần này mang tính chất tương đối "tĩnh" và ít gây nóng dư luận, đó là nông nghiệp nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch...  Chính những  yếu tố chi phối khách quan này có thể sẽ khiến cho phiên chất vấn lần này không còn tính chất "căng như dây đàn" giống với các cuộc chất vấn trước.

Trong thực tế, chất vấn vẫn là là một trong các công cụ hữu hiệu nhất để QH thực hiện quyền giám sát và phản biện của mình, buộc Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn. Hệ quả của nhiều phiên chất vấn thậm chí có thể dẫn tới việc đưa ra QH bỏ phiếu.

Vẫn biết rằng cuộc chất vấn lần này diễn ra sau buổi lấy phiếu tín nhiệm nên khó có thể xảy ra hệ quả trực tiếp nào. Tuy nhiên, các vị bộ trưởng cũng nên nhớ rằng hoạt động đánh giá tín nhiệm từ nay sẽ được tiến hành thường xuyên. Và mỗi buổi "sát hạch" chất vấn trực tiếp cũng vẫn sẽ tiếp tục là dịp để mỗi vị tư lệnh ngành hoặc ghi điểm trong  lòng cử tri, hoặc, ngược lại, sẽ dần mất đi sự tín nhiệm.

 Ba vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn lần này, gồm: Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều thứ 4 (12/6) đến hết ngày thứ 6 (14/6), được truyền hình, phát thanh trực tiếp.


Lê Nhung