Mấy chục năm trở lại đây, tiền hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách hoặc tiền hỗ trợ của nhà nước; tiền ủng hộ của các cá nhân và các tổ chức chính trị xã hội sau mỗi trận bão lụt, mỗi lần dịch bệnh cho các hộ dân bị thiệt hại luôn xảy ra tình trạng bị xà xẻo hoặc cấp phát không đúng đối tượng; rồi tình trạng dê, lợn gà, trâu bò … hỗ trợ hộ nghèo “lạc đường” về nhà cán bộ huyện, cán bộ xã. Tình trạng này thường xuyên bị báo chí phê phán, nhiều cán bộ bị kỷ luật nhưng xem ra “căn bệnh” của lòng tham trong lĩnh vực này vẫn chưa có thuốc chữa trị hiệu nghiệm.

Cho nên gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ dành cho những bộ phận cư dân yếu thế và hộ kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng không thể tránh khỏi tình trạng trên đây, điển hình là ở tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi có đơn thư tố cáo của nhân dân về tình trạng nhiều hộ gia đình ở xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa có kinh tế khá giả, đi ô tô, ở nhà lầu nhưng vẫn "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, UBND huyện đã vào cuộc kiểm ta. Kết quả cho thấy có 9/11 hộ ở thôn Tu Mục đúng như nội dung tố cáo của người dân.

{keywords}
Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cơ bản hoàn thành chi trả 4 nhóm đối tượng đợt 1.

Trong 9 hộ bị “nhầm” đối tượng trên đây, đa phần đều có quan hệ họ hàng, thông gia với lãnh đạo cán bộ xã, cán bộ thôn. Cụ thể ông Hồ Xuân Bình Chủ tịch UBND xã 3 hộ; ông Lê Hồng Vân Phó Chủ tịch UBND xã 1 hộ; bà Trần Phương Nam Chủ tịch hội Phụ nữ xã 1 hộ; bà Lê Thị Chung Bí thư chi bộ - Trưởng tiểu ban công tác Mặt trận thôn Tu Mục 2 hộ.

Điều trớ trêu là trong khi những gia đình kinh tế khá giả được nhận tiền từ gói hỗ trợ của Chính phủ, thì cũng tại xã Yên Thọ có 4 có hộ hoàn cảnh khó khăn thật sự nhưng lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ, vì UBND xã không đưa vào danh sách [1].

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa nhiều hộ “cận nghèo” nhưng ở nhà lầu, cuộc sống dư dả. Tại thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) có 76 hộ cận nghèo được lập danh sách nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trong đó nhiều gia đình được bình xét hộ cận nghèo lại ở nhà tiền tỉ. Tại xã Thiệu Thành và Thiệu Công (Thiệu Hóa), một số hộ dân mới làm nhà to hoành tráng, nhưng vẫn sở hữu sổ hộ cận nghèo. [2]

Đặc biệt, Bùi Văn Hải ở thôn Thủ Lộc, xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, là phạm nhân đang chấp hành án trong trại giam, nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. [3]

Tình trạng trên đây hoàn toàn tương phản với trách nhiệm, tình cảm của hàng triệu người hoặc đã và đang tham gia phòng chống dịch; hoặc theo điều kiện khả năng của mình đóng góp tiền, của để chia sẻ khó khăn với đội ngũ thầy thuốc và những người tham gia chống dịch; những người yếu thế, những người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Trong đó có nhiều cụ ông, cụ bà cuộc sống còn rất đạm bạc nhưng vẫn chắt chiu từng bó rau, đồng tiền, bát gạo để được chia sẻ khó khăn với đồng bào của mình lúc dịch bệnh.  

Hành động của hàng triệu người dành trách nhiệm cao cả, tấm lòng nhân ái cho đồng bào của mình lúc khó khăn hoạn nạn, nhất là trong đại dịch COVID-19 đã góp phần xây dựng phẩm giá tốt đẹp của người Việt Nam. Thì ngược lại, hành vi của những quan chức luôn rình rập, chờ thời cơ để trục lợi, bớt xén tiêu chuẩn của người nghèo, người có công, người gặp hoạn nạn trong thiên tai, dịch bệnh là vô liêm sỉ, làm vấy bẩn hình ảnh con người Việt Nam. 

Để các chính sách của Chính phủ hỗ trợ người có công, người nghèo, người gặp hoạn nạn trong thiên tai, dịch bệnh; để các hoạt động nhân đạo, từ thiện của các cá nhân và các tổ chức chính trị, xã hội đến đúng đối tượng thì hình thức xử lý những kẻ trục lợi khi thực hiện các chính sách đó không chỉ sử dụng điệp khúc “kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm sâu sắc” mà phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật hình sự. Và cũng không chỉ xử lý những kẻ trực tiếp trục lợi mà phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ chủ trì cấp huyện, cấp tỉnh của những địa phương để cho cấp dưới lợi dụng thực hiện các chính sách nhân đạo của Chính phủ để trục lợi.

Tại sao có những người chỉ cướp một vài chiếc bánh mỳ vì người quá đói thì bị xử tù mà những cán bộ lợi dụng chính sách của nhà nước, lợi dụng hoạt động nhân đạo của các tổ chức chính trị, xã hội để trục lợi hàng triệu, hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho gia đình, cho họ hàng thân thích thì chỉ “kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc”, “rút kinh nghiệm sâu sắc”, và cùng lắm thì chỉ bị giáng chức hoặc cách chức.

Nếu Nhà nước và các cơ quan pháp luật không nghiêm minh với những cán bộ thiếu trách nhiệm, những cán bộ vô liêm sỉ, “ăn không từ một thứ gì”, thì sau mỗi trận bão lụt, mỗi lần dịch bệnh tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại lại tiếp tục bị xà xẻo hoặc cấp phát không đúng đối tượng; tình trạng dê, lợn gà, trâu bò … hỗ trợ hộ nghèo lại tiếp tục “lạc đường” về nhà cán bộ huyện, cán bộ xã hết năm này qua năm khác. Mặt khác, nếu tình trạng này không được khắc phục thì những cá nhân và những tổ chức chính trị, xã hội có tinh thần nghĩa hiệp cao cả với cộng đồng đến mấy cũng sẻ nản lòng.

Nguyễn Huy Viện

Tài liệu tham khảo:

[1].https://tuoitre.vn/phat-hien-nhieu-ho-kha-gia-co-so-ho-can-ngheo-la-nguoi-than-can-bo-xa-thon-20200523115304585.htm

[2].https://tuoitre.vn/lum-xum-chi-ho-tro-goi-62-000-ti-o-xu-thanh-20200518094932687.htm

[3].https://tuoitre.vn/xa-cap-tien-ho-tro-do-dich-covid-19-cho-ca-nguoi-dang-thu-an-20200519081142768.htm