Thẳng thắn, gay cấn, quyết liệt,... đó là những tính từ chính xác nhất để miêu tả cuộc tranh luận chính thức lần thứ hai giữa người đại diện Đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Mỹ - Barack Obama, và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, Mitt Romney. Được điều phối bởi bà Candy Crowley - trưởng ban chính trị kênh truyền hình CNN, mô thức tranh luận mới lần này đã trao cho cử tri quyền đặt câu hỏi trực tiếp đến hai ứng cử viên tổng thống.

Điều này đã tạo nên sự đa dạng và bất ngờ trong các chủ đề, cũng như một không gian cởi mở và quyết liệt hơn cho tranh luận. Với không khí gần như một buổi "chất vấn", Obama và Romney đã lần lượt bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình trên nhiều vấn đề, cả đối nội và đối ngoại: từ chính sách năng lượng đến thuế thu nhập, từ vụ khủng bố tại Benghazi - Lybia, cho đến tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tới nền kinh tế Hoa Kỳ.

Chiếm lấy niềm tin của số đông

Mặc dù có rất nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực được đặt ra trong cuộc tranh luận thứ hai này, tuy nhiên, có thể thấy cả hai ứng cử viên đều xoay quanh một mục đích lớn nhất: đó chính là đảm bảo niềm tin của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ, mà theo Tổng thống Obama "chiếm 98% dân số nước Mỹ".

Cả hai ứng cử viên đều cố gắng chứng tỏ những chính sách họ hứa thực thi trong 4 năm nhiệm kỳ tới sẽ giải được những bài toán khó mà nền kinh tế Mỹ đang gặp phải. Đồng thời, những chính sách này sẽ tạo ra một tương lai bền vững và xán lạn hơn cho tầng lớp trung lưu - tầng lớp mà ông Romney cho rằng đã bị "nghiền nát" và "chôn vùi" bởi "những chính sách sai lầm" trong suốt 4 năm qua.

Chính sách phát triển kinh tế chính là vấn đề mà hai ứng cử viên tranh cãi gay cấn và quyết liệt nhất. Ngay từ phần tranh luận đầu tiên về những chính sách tạo việc làm và giải quyết thất nghiệp, cả hai bên đã quyết liệt khẳng định những chính sách của đối phương là sai lầm.

"Vẫn còn 23 triệu người Mỹ đang khó nhọc tìm việc làm", ông Romney dẫn chứng về sự yếu kém của chính quyền Obama trong giải quyết thất nghiệp. Đáp lại, ứng cử viên Đảng Dân chủ mạnh mẽ cho rằng "Bản chính sách 5 điểm" của Romney thật ra chỉ có một nội dung duy nhất, là "những kẻ ở trên được hưởng những luật chơi riêng", và "đây là chính sách suốt một thập kỷ qua đã bóp nghẹt tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ".

Hai ứng cử viên đã tranh luận quyết liệt về nhiều vấn đề

Kịch bản này liên tục được lặp lại khi Obama và Romney lần lượt được các cử tri đặt câu hỏi về chính sách đối với thuế thu nhập, phát triển năng lượng, nhập cư... hay cả trong vấn đề kiểm soát súng dân dụng. Đương kim Tổng thống Obama tiếp tục khẳng định hình ảnh một người luôn sát cánh cùng tầng lớp trung lưu với những lời hứa tiếp tục cắt giảm thuế thu nhập cho người có thu nhập trung bình, tăng thuế đối với "2% dân số giàu nhất nước Mỹ", đảm bảo một cơ hội công bằng cho những người nhập cư. Ngoài ra, ông cũng cam kết tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục và năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo một nền kinh tế Hoa Kỳ bền vững và chất lượng trong tương lai "không chỉ một năm, mà là 10 năm, 20 năm nữa".

Mitt Romney cũng tỏ ra không kém cạnh so với người đại diện của Đảng Dân chủ. Ông đã tấn công liên tục vào những lời hứa còn dang dở của Obama trong cuộc vận động năm 2008. Không những thế, Romney liên tục khẳng định, với kinh nghiệm và những thành công đã đạt được trong thời gian làm thống đốc bang Massachusset, những chính sách mà ông đề ra sẽ giải quyết nhanh chóng vấn đề thất nghiệp của xã hội Mỹ và "đặt nền kinh tế nước này trở lại đà phát triển" nhanh chóng. Dư luận Mỹ đã bắt đầu cho rằng, Romney là một sự lựa chọn "đúng đắn hơn cho nền kinh tế Hoa Kỳ lúc này" - Erick Erickson, một thành viên trong ban biên tập của CNN nhận định.

Cuộc đua chưa ngã ngũ

Ngay sau khi buổi tranh luận kết thúc, đại bộ phận báo đài và dư luận nước ngoài đều cho rằng người thắng cuộc cuối cùng sau hơn 90 phút đối đầu căng thẳng chính là Obama. Những thống kê của các tờ báo uy tín nước ngoài, về kết quả của cuộc tranh luận, đều thể hiện một chiến thắng có phần sít sao của Obama trước Cựu Thống đốc bang Massachuset - Mitt Romney (CBS 37%-30%, CNN 46%-39%, ...).

Tuy nhiên, theo báo chí phương Tây, chiến thắng trong cuộc tranh luận này không đồng nghĩa với việc đương kim Tổng thống Obama đã giành được thắng lợi tuyệt đối trong kỳ bầu cử 2012. Có chăng, theo như nhà báo Stephen Stromberg đã đăng trên tờ Washington Post, sự trở lại kịp thời của Obama đã "tạm dừng đà tiến bước của Romney" và "tái đảm bảo cho những lá phiếu vẫn còn đang phân vân". Qua cuộc tranh luận thứ hai này, Obama có thể phần nào tái khẳng định sự kiên quyết của mình trong các vấn đề như đấu tranh cho phúc lợi xã hội, chính sách thuế thu nhập cá nhân, hay bảo vệ an ninh quốc gia với cương vị là tổng thống cũng như chỉ huy trưởng quân đội Hoa Kỳ - đặc biệt là sau sự cố khủng bố tại Benghazi - Lybia.

Thế nhưng, bản thân ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - ông Mitt Romney cũng có quyền tự tin về chiến dịch bầu cử của mình sau cuộc tranh luận. Romney không những tiếp tục giữ vững được những quan điểm về chính sách của mình, ông còn liên tục tấn công vào những điều chưa đạt được trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua của Obama, như việc tăng giá xăng, tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, hơn 50% thanh niên tốt nghiệp không tìm được việc làm, v.v... "Chúng ta không cần phải chịu đựng tình cảnh này", Romney mạnh mẽ kết luận. "Nếu như nước Mỹ chọn Tổng thống Obama, chúng ta biết rõ chúng ta sẽ nhận lãnh điều gì. Chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại những gì đã gánh chịu trong 4 năm qua." Điều này ắt hẳn sẽ tiếp tục làm cho những lá phiếu trung lập phải băn khoăn.

Cuộc đua đến Nhà Trắng của Obama và Romney vẫn chưa ngả ngũ khi những lá phiếu trung lập vẫn chưa tìm được người chiến thắng. Liệu chăng mọi thứ sẽ được quyết định sau kỳ tranh luận thứ 3 - một kỳ tranh luận đặt nặng về chính sách đối ngoại?

Thế Phương - Lê Thành