Ứng viên từ đảng Cộng hoà thì chỉ trích Obama không thông qua một lập trường quyết đoán hơn về việc lật đổ lãnh đạo Bashar al-Assad ở Syria, và lên án sự lãnh đạo yếu ớt của tổng thống Mỹ ở những nơi khác trong khu vực, coi đó là sự mở đường cho bạo lực dẫn tới cái chết của Đại sứ Mỹ Chris Stevens ở Libya và ba người Mỹ khác.

Romney cũng tấn công đối thủ Dân chủ của mình, khi cáo buộc Obama hỗ trợ không đủ cho Israel, đặc biệt trong mối quan hệ giữa nước này với Iran. Tuy nhiên, Obama đã bác bỏ mọi chỉ trích. Ông nói: "Nếu Thống đốc Romney cho rằng, chúng ta nên bắt đầu một cuộc chiến tranh khác, ông nên nói rõ như vậy".

Những tranh cãi về chính sách đối ngoại giữa các ứng viên tổng thống Mỹ ở các cuộc phỏng vấn riêng biệt do chương trình "60 phút" mà CBS thực hiện cho thấy các cách nhìn khác nhau về Trung Đông của Obama và Romney. Những "lời qua tiếng lại" cho thấy dấu hiệu đầu tiên mà cặp đôi tranh cử có thể áp dụng trong các cuộc tranh luận sắp tới, đầu tiên là tại Denver ngày 3/10.

Ảnh: Getty Images

Trung Đông đang ngày càng trở thành điểm nóng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, khi rất nhiều cử tri bất mãn và nổi giận bởi những vụ tấn công nhằm vào các đại sứ quán Mỹ khắp thế giới. Ứng viên Cộng hoà Romney đang nỗ lực hạ bệ Obama  trong lĩnh vực chính sách đối ngoại - địa hạt mà qua các cuộc thăm dò cho thấy, đương kim tổng thống Mỹ đang giữ lợi thế.

Có rất ít người Mỹ hưởng ứng việc nước này tham gia một cuộc chiến tranh khác sau cuộc chiến tại Libya - trong đó Pháp và Anh được mô tả là nước dẫn đầu và Mỹ thì hỗ trợ hậu cần. Ông Obama đã thận trọng tránh để Mỹ bị cuốn vào cuộc chiến tại Syria và từ chối chấp thuận yêu cầu của người Israel rằng, họ cần "lập vạch đỏ" với chương trình hạt nhân Iran, và nếu Tehran vượt qua nghĩa là sẽ khơi mào cho các cuộc tấn công quân sự.

Trong cuộc phỏng vấn của mình, Romney chỉ trích Obama về việc không gặp Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu tại New York tuần này khi hia bên có mặt ở LHQ hoặc tại Washington. Theo ông, động thái này gửi đi bức thông điệp rằng, Mỹ đang tự giữ khoảng cách với các bạn bè. "Tôi nghĩ chúng ta cần truyền đạt rõ rằng, Israel là đồng minh của chúng ta. Đồng minh thân cận của chúng ta. Tôi cho rằng, quyết định của tổng thống khi không gặp Thủ tướng Israel lúc ông Netanyahu tới Mỹ tham dự kỳ họp LHQ, là một sai lầm, và gửi bức thông điệp đến khắp Trung Đông rằng, bằng cách nào đó, chúng ta đang tự giữ khoảng cách xa rời bạn bè và tôi nghĩ chính xác cách tiếp cận ngược lại là những gì cần thiết", Romney nói.

Về phần mình, ông Obama cho biết, ông sẽ không chịu áp lực khi đưa ra các quyết định. "Đối với các quyết định liên quan tới an ninh quốc gia, bất kỳ áp lực nào tôi cảm thấy đơn giản chỉ là làm những gì đúng đắn cho người dân Mỹ. Và tôi sẽ ngăn chặn những ồn ào ở đây", ông nói. Nhưng ông nhấn mạnh, ông cảm thấy có một "bổn phận, để đảm bảo rằng chúng ta đã tham vấn chặt chẽ với người Israel về các vấn đề. Vì nó ảnh hưởng tới họ rất sâu sắc".

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều được hỏi về những yếu điểm nhất của mình. Obama nói rằng, với ông, đó là thất bại vì không thay đổi được "sắc thái" tại Washington - một cam kết chính ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử 2008. Ông cho biết: "Nếu hỏi tôi, thất vọng lớn nhất của tôi là gì, thì đó là chúng tôi đã không thay đổi được sắc thái ở Washington như tôi mong muốn".

Lời thú nhận này lặp lại một tuyên bố tương tự mà Obama đưa ra cách đó không lâu trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Univision. Khi ấy, ông nói rằng, ông đã không thay đổi được Washington từ bên trong và việc thiếu cải cách vấn đề nhập cư là thất bại lớn nhất của ông. Dĩ nhiên, Romney và đảng Cộng hoà đã nhanh chóng nắm bắt tuyên bố này.

Trong cuộc phỏng vấn "60 phút", ông Romney đã chịu sức ép về kế hoạch cải cách thuế, nhưng như trong các tháng qua, ông từ chối đi vào chi tiết. Ông nói ông sẽ giảm tất cả các loại thuế thu nhập xuống 20% và chấm dứt nhiều kẽ hở về thuế. Romney, người đã đưa ra một số chi tiết thuế cá nhân đã bảo vệ thực tế rằng, ông đã trả ít hơn 15% thuế cho lợi tức đầu tư. "Tôi nghĩ đây là cách đúng đắn để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, để mọi người đầu tư, bắt đầu ngành nghề, để đưa mọi người trở lại công việc", ông nói.

Obama đã chỉ trích Romney về việc theo đuổi các chính sách thuế tương tự thời George W. Bush.

Theo kết quả thăm dò mới đây, tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa là 43%, trong khi Obama được 48%. Con số này trái ngược với tương quan giữa hai đối thủ cách đây 3 tuần, khi đó ông Romney dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ 44%, còn ông Obama được 42%. Theo dự đoán, những hạn chế của chính quyền Obama trong việc giải quyết khó khăn hiện nay của nền kinh tế Mỹ sẽ là đề tài chính được ông Romney xoáy sâu vào nhằm công kích đối thủ.

Nguyễn Huy theo Guardian