- Thừa nhận trình sai thẩm quyền và có chuyện trình kí cấp tập những ngày cuối cùng khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực trong dự án Văn Giang, cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ khẳng định, việc này không vì chạy dự án.

Không vì chạy dự án


Ngày 8/11 vừa qua ông đã có cuộc đối thoại với bà con Văn Giang liên quan đến trách nhiệm cá nhân của ông trong việc trình và quyết định dự án này, chỉ vài ngày trước khi Luật Đất đai 1993 hết hiệu lực. Tờ trình cách đây đã nhiều năm, điều gì khiến ông quyết định lựa chọn đối thoại với người dân?

Người dân đã rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin muốn đối thoại về pháp luật với các văn bản liên quan đến dự án Văn Giang. Tôi nhiều lần nói: bây giờ tôi về hưu rồi, đối thoại thì có giải quyết được vấn đề gì không. Cuối cùng, người dân viết thư yêu cầu phải đối thoại. Họ yêu cầu đối thoại trực diện, trong trường hợp e ngại thì có thể viết thư trả lời. Và tôi chọn cách tiếp cận thứ nhất. Bởi mình không có gì phải sợ sệt cả.

Cựu Thứ trưởng TN-MT Đặng Hùng Võ. Ảnh: Lao động

Hơn nữa đã đối thoại với dân thì phải đàng hoàng, quan điểm là như vậy.

Tôi báo cáo Bộ trưởng TN-MT là có việc như vậy, ý của tôi là cũng muốn gặp dân nói chuyện. Về mặt pháp luật, tôi trên tinh thần giữ quan điểm của bộ TN-MT, còn trong quá trình đối thoại cũng có những điều phải điều chỉnh.

Trên tinh thần ấy, Bộ trưởng đồng ý.

Cụ thể, những vấn đề pháp luật được người dân Văn Giang nêu và đối thoại với ông là gì?


Thứ nhất, tôi thấy cần giải thích cho dân rõ những dự án như thế này sẽ có người mất đất, người chịu thiệt thòi này khác, nhưng đây là dự án quan trọng của Hưng Yên, làm thông con đường từ Hà Nội đến Hưng Yên, và là cơ sở cho Hưng Yên phát triển. Đây không phải dạng dự án vớ vẩn, không chỉ câu chuyện đơn giản vì lợi ích của nhà đầu tư . Đây là dự án vì lợi ích của tỉnh Hưng Yên và trực tiếp là lợi ích của người dân Văn Giang.

Vấn đề thứ hai cần giải thích cho dân hiểu, là liên quan đến mấy quyết định được kí dồn dập vào những ngày cuối cùng trước khi Luật Đất đai năm 1993 hết hiệu lực. (Ngày 29/6/2004, ông Đặng Hùng Võ thừa lệnh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình số 99 lên Thủ tướng. Trước đó một ngày, 28/6/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình về thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thị Thương mại, du lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội, đoạn Văn Giang đến xã Dân Tiến, Khoái Châu. – pv) Tại sao lại dồn dập? Cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, hết thời hạn áp dụng Luật Đất đai 1993 là sẽ hết hiệu lực. Việc đổi hàng và hàng không được chấp nhận nữa mà phải đổi qua tiền. Mà như vậy dự án sẽ bị kéo dài. Việc chuẩn bị dự án nếu không kịp kí trước ngày luật cũ có hiệu lực thì dự án phải làm lại từ đầu. Thời điểm đó, Hưng Yên nói thẳng quan điểm, nếu quá đi dự án sẽ bị lỡ, gây tổn hại cho tỉnh rất nhiều.

Tôi muốn giải thích để người dân hiểu, chuyện kí cấp tập ấy không có chút dính dáng gì đến việc chạy dự án cả. Đây là việc đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chính quyền tỉnh Hưng Yên.

Nhiều người đặt vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo với mỗi chữ kí của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu. Bởi ngay cả ông có xin lỗi thì việc cũng đã rồi, người dân cũng đã chịu thiệt?


Thực ra ở đây có hai khía cạnh. Về trách nhiệm hành chính, đây không phải quyết định cá nhân mà của cả hệ thống hành chính. Nhưng nếu gắn với chữ kí ấy có khuất tất thì lại phải xử lí trách nhiệm cá nhân rõ ràng tại vị hay đã nghỉ hưu.

Một người đã kí có chịu trách nhiệm khi về hưu nếu đó là viêc khuất tất, tiêu cực. Còn nếu đó là việc đúng như hệ thống hành chính vẫn làm, thì bản thân hệ thống hành chính phải xử lí và chịu trách nhiệm.

Mình chọn cách đối thoại để giải thích bởi người dân có đặt câu hỏi mấy ngày cấp tập kí có khuất tất gì.

Nếu chỉ là tờ trình mang tính hành chính thông thường mà không có nghi vấn gì về mặt đạo đức, thì không cần đối thoại. Nhưng vì người dân nghi vấn, nên mình muốn đối thoại, làm rõ. Đối thoại để minh chứng không có khuất tất gì đằng sau.

Trái luật, theo lệ

Trong cuộc đối thoại với dân, ông có thừa nhận rằng hai tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), mà khi đó ông đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là "đã trình không đúng thẩm quyền"?

Đúng vậy. Suốt 10 năm từ 15/10/1993, tới 30/6/2004, luật quy định thẩm quyền liên quan đến phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, quyết định giao đất, cho thuê đất của chính phủ, nhưng thực hiện lại có khác biệt một chút.

Ảnh: Lao động

Suốt 10 năm trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực, chúng ta đã không thực hiện đúng thẩm quyền, với hơn 3000 văn bản. Vụ Văn Giang nằm trong loạt các văn bản này.

Chính phủ vẫn nói rằng Chính phủ ủy quyền cho Thủ tướng nhưng sự thật lại có điều luật: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thì không được ủy quyền.

Người dân chất vấn tôi, rằng đáng lẽ tôi phải trình ông này, tôi lại gửi một ông khác, thì chắc chắn, nếu xét trường hợp đơn lẻ này, tôi đã làm sai, trình trái thẩm quyền. Nói nhẹ là không đúng thẩm quyền, còn nói đằng thắng là trái luật.

Nhưng thực ra, đó không phải là cố ý làm không đúng thẩm quyền. Giai đoạn trước luật 2003 chúng ta đều làm như vậy, theo thông lệ.

Khi tôi bắt đầu làm, Bộ trưởng có nói, ta tập trung xây dựng luật mới, với cái cũ thì trước làm thế nào, bây giờ ta làm như thế. Chẳng nhẽ lúc đó mình lại khịa chuyện ra bảo làm cái này không được. Trong hệ thống quản lý không thể đòi làm khác đi đơn giản thế.

Chúng ta đã làm theo lệ chứ không phải theo luật. Câu chuyện phức tạp ở chỗ đó.

Nhận và sửa sai

Theo ông, với hơn 3000 văn bản ấy trình và kí lệch thẩm quyền ấy, chúng ta phải ứng xử với chúng ra sao?

Cần phải cư xử ra sao với cái đã lỡ trong quá khứ, theo chỉ đạo của Chính phủ là câu chuyện vô cùng phức tạp
Tuy nhiên, đó là thực tế không thể chối cãi. Đến lúc phải nói với dân thực tế ấy.

Và phải làm rõ có hiệu lực hay không, mà hướng là công nhận hiệu lực, bởi phần chênh thẩm quyền không lớn, và các dự án đều làm rồi, và không gây hậu quả xấu, không phải từ cái chênh hiệu lực ấy mà gây ra tham nhũng, tiêu cực này khác.

Tôi định viết thư đề nghị chính thức hóa chuyện này. Nếu không, chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều.

Tốt nhất là Chính phủ đặt thẳng vấn đề sang Quốc hội, Ủy ban Thường vụ có một nghị quyết công nhận những cái lệch thẩm quyền ấy vì đều là những việc đã giải quyết lâu rồi. Cũng cần thuyết minh rõ cái lệch này không gây hậu quả gì, dù quyết định ở tầm lớn.

Liệu việc này có tạo tiền lệ, cứ làm trái, rồi hợp thức hóa bằng văn bản pháp luật sau đó?

Đương nhiên không thể ra nghị quyết giải quyết từng quyết định riêng rẽ. Đây là giải quyết lịch sử, không phải giải quyết cá biệt trường hợp nào. Đây là cả lô văn bản đã thành tiền lệ trong lịch sử.

Lệ áp dụng 10 năm trời. Cách tốt nhất là chường mặt ra nhận và sửa sai, rằng chúng tôi đã trót áp dụng không đúng, và lí do là có sự vênh giữa các luật và không có hậu quả gì do sự vênh pháp luật này.

Cụ thể, với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất phải là hình thức quyết định. Hình thức văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền chính phủ, theo luật, lại không có quyết định, chỉ có nghị quyết, nghị định. Ra văn bản gì? Quyết định phải là thẩm quyền riêng. Sự vênh, lệch giữa các luật về đất đai và về thẩm quyền chính phủ ra văn bản pháp luật dẫn tới việc này. Đó là lí do Chính phủ lại làm như vậy.

Văn Giang chỉ là một trường hợp. Phải giải quyết sớm, không thể cứ mãi lùng bùng với hơn 3000 văn bản này được.
3000 văn bản như cá nằm trên thớt. Và bất kì dự án nào có chuyện, người ta cũng có thể lôi ra việc trình và kí không đúng thẩm quyền. Giải quyết một lần cho xong, thật gọn ghẽ.

Không phải về hưu mà làm khác

Trở lại với việc đối thoại với dân, như ông nói, trách nhiệm hành chính với ông không còn nữa. Thế nhưng ông vẫn quyết định đối thoại. Có người đã gọi đó là “Tiền lệ Đặng Hùng Võ”. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nên chăng cần luật hóa trách nhiệm quan chức, trong việc đối thoại, giải thích cho dân, và chịu trách nhiệm với mỗi chữ kí, quyết định của mình, ngay cả khi đã nghỉ hưu?

Sự thực việc đối thoại với dân, giải thích cho dân nên được đặt thành một nguyên tắc, vì cán bộ không thể làm ngơ trước phản ứng của người dân mà quyết định của mình có liên quan. Đối với người đương chức đương nhiên phải làm chuyện đó.

Làm như thế nào thì phải cần pháp luật đặt nguyên tắc cụ thể thế nào: trường hợp nào, thời gian bao lâu, mức độ chưa đồng ý thì giải quyết ra sao, loại quyết định gì thì xử lý ở cấp nào?

Nên luật hóa, tạo gắn kết giữa nhân dân và nhà nước tốt hơn.

Cũng có dư luận nói rằng, chẳng qua nghỉ hưu rồi nên ông mới nói mạnh thế. Đương chức, chắc gì!


Điều này có thể đúng với ai đó, nhưng với cá nhân tôi thì khác. Đương chức mình đã đối thoại với dân nhiều rồi.
Tuy nhiên đối thoại về một quyết định có gắn với cá nhân thì là lần đầu tiên, vì tờ trình là mình kí đưa lên, lại cấp tập vào những ngày cuối của luật đất đai 1993 có hiệu lực.

Thời gian tôi còn đương chức thực ra không có quyết định nào gắn với đất đai vì lúc đó Bộ không có quyết gì về đất đai. Thế nên không có đối thoại về quyết định nào gắn với cá nhân mình.

Còn đối thoại về những xộc xệch về chính sách đất đai, về thực thi chính sách ở tỉnh này, tỉnh kia thì nhiều.

Ví dụ, bà Kim Ngân khi còn là Bí thư Hải Dương có lần dân kéo lên kiện đã gọi điện đề nghị tôi xuống giúp giải thích cho dân. Quyết định thu hồi đất của tỉnh, đất của trung tâm đào tạo đóng tàu của Vinashin. Mình xuống đối thoại bình thường, với dân và lãnh đạo xã.Dân nghe ra thì về.

Chuyện bình thường ấy mà. Nhiều khi đi tỉnh này tỉnh khác, chính quyền tỉnh còn nhờ ra đối thoại với dân giúp, vì nói họ chẳng hiểu.

Tôi có thể tự hào nói mình đã giúp thay đổi hai chính sách liên quan đến đất đai hở Hà Nội. Một là, không cho người ngoại tỉnh mua nhà. Tôi nói Hà Nội đang vi phạm luật đất đai vì luật không có điều nào cấm người dân mua nhà. Tôi nhớ lúc đó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hà Nội phải làm thế nào chứ ông Võ nói Hà Nội vi phạm pháp luật là không được đâu. Và Hà Nội đã thay đổi.

Hai là thời điểm đó, các dự án xây dựng nhà thì phải gạt lại cho thành phố 20-30%, một dạng biếu không thành phố. Tôi nói cái này không được. Đừng nghĩ đó là nhà đầu tư cho thành phố. Phần 70-80% còn lại của dự án, nhà đầu tư sẽ phải bán đắt hơn để chở cái phần 20-30% này. Sự thực là lấy của dân chứ không phải lấy của nhà đầu tư. Cuối cùng Hà Nội đã bỏ, chuyển sang cơ chế cần thì mua của chủ đầu tư.

Cán bộ cần làm đúng luật trước

Từ vụ việc này, ông rút ra điều gì?


Để xây dựng nhà nước pháp quyền, bộ máy hành pháp phải rất cẩn thận trong mọi việc. Không được qua loa bất kì chuyện gì.

Không đúng thẩm quyền như ở vụ Văn Giang là một ví dụ, dù không quá xa thẩm quyền. Nếu không, một trục trặc nhất định cũng dẫn đến quyết định người dân có ý kiến. Và họ sẽ viện dẫn việc không đúng pháp luật này. Nhất là bây giờ, người dân có quyền thuê luật sư đại diện cho mình rồi.

Điều này sẽ loại trừ nghi vấn trong dân rằng đó cũng chỉ là chuyện làm ăn khuất tất thôi.

Việc phản ứng của dân cũng chỉ vì qua loa về mặt pháp luật, cho rằng rằng cái này cũng không chênh nhau nhiều lắm. Đến lúc chúng ta cần tư duy lại. Mọi việc phải rất chặt chẽ, cẩn thận, chi tiết. Quan chức, công chức lo làm đúng luật trước khi yêu cầu người dân tuân thủ luật.

Văn Giang đã tạo ra được một áp lực trong việc chỉnh sửa luật đất đai. Những dự án lớn như thế, việc vận động người dân cần phải làm thế nào, từ giai đoạn lập quy hoạch, đến thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Vai trò người dân đến đâu? Làm thế nào để dự án triển khai được mà đảm bảo được đồng thuận cao của dân?


Phương Loan


Xem thêm các bài của Tuần Việt Nam xuất bản cùng ngày 12/11:

‘Chính chủ’ - Ai cũng thích, nhưng...
Dư luận phản ứng không vì mục đích, ý nghĩa của 2 chữ “chính chủ” mà ở cách thức triển khai chính sách.
 
'Ở tạm' trên đất nước mình
Các quy định về hộ tịch Việt Nam hiện nay lại vô hình dung chia công dân Việt Nam ra làm hai loại: công dân sống thường trú và công dân sống tạm trú, lưu trú.
 
Trung Quốc hối hả cho tham vọng siêu cường
Chỉ cách đây chưa đầy một chục năm, Trung Quốc còn đang là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.