Căng thẳng tại Biển Đông tiếp tục leo thang khi ngày càng có nhiều cường quốc tham gia. Đặc biệt, mới đây Nga công khai quan điểm đứng về phía Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại các bên khác trong tranh chấp tại khu vực nhạy cảm này.

Trong một cuộc họp báo ngày 6/5 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị nhất trí quan điểm chung là phản đối Mỹ trong một loạt vấn đề, trong đó có các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Ông Lavrov cho biết “quan điểm của Nga không thay đổi, đó là các vấn đề tại Biển Đông không nên được quốc tế hóa, các nước không có tranh chấp không nên can thiệp vào các nỗ lực giải quyết vấn đề của các bên tranh chấp”.

Khi Nga, vốn không phải là một bên tranh chấp, lên tiếng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận.

Không ít người phân tích rằng, các tuyên bố trên phù hợp với kế hoạch trò chơi của Bắc Kinh nhằm chia rẽ và xâm chiếm các nước láng giềng châu Á nhỏ hơn. Bởi Trung Quốc luôn ngạo ngược từ chối đàm phán với 10 quốc gia Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách một khối, họ muốn thương lượng với từng thành viên riêng rẽ.

{keywords}
Nga không là một bên nào trong tranh chấp tại Biển Đông. Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã

Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể bắt nạt từng nước nhỏ hơn bằng các biện pháp trả đũa kinh tế và trả thù nếu họ không ủng hộ Trung Quốc. Philippines đã phải trải qua bài học này năm 2012, sau khi Manila đối đầu với Trung Quốc, họ đã mất lãnh thổ.

Mỹ và Nga không phải là các nước ngoài khu vực duy nhất cho rằng họ có các lợi ích tại vùng biển tấp nập ở Đông Nam Á này. Ấn Độ, và mới đây nhất là Nhật Bản cũng đã thể hiện sự hiện diện của mình bằng việc cử các tàu đi qua vùng biển mà họ coi là một phần của tài sản chung toàn cầu.

Tàu thuyền New Delhi đã nhiều năm nay thường xuyên qua lại các cảng biển của Việt Nam, một quốc gia bạn hữu. Tháng 7/2011, một giọng nói qua loa phóng thanh tự xưng là “Hải quân Trung Quốc” định chặn tàu đổ bộ INS Airavat của Ấn Độ khi tàu này đi qua hòa bình tại vùng biển quốc tế để tới cảng Hải Phòng. Về phần mình, Nhật Bản hồi tháng trước đã cử tàu chiến tới vịnh Subic ở Philippines.

Có thể thấy một bức tranh toàn cảnh về sự đối đầu giữa các nước lớn. Một bên, Trung Quốc với sự ủng hộ ngầm của nước Nga, trong khi ở bên kia, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác muốn duy trì vùng biển này mở đối với mọi quốc gia.

Đây là một cuộc đối đầu “được ăn cả ngã về không”. Cả hai bên đều đánh cược cho một vấn đề quan trọng và không thể thương lượng. Nhưng điều khiến Biển Đông thậm chí còn nguy hiểm hơn, đó là hiện các bên đều tỏ ra mập mờ. Giống như thời điểm trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, tình hình rất khó để các bên can thiệp vì không rõ các nước khác sẽ làm gì nếu sự thù địch xảy ra.

Ví dụ Mỹ hiện có nguy cơ không chỉ đối đầu với Bắc Kinh mà cả với Moscow về bãi cạn Scarborough và nhiều thực thể khác. Trung Quốc chiếm bãi cạn này của Philippines từ đầu năm 2012, và dường như Trung Quốc có ý định biến đây thành một pháo đài quân sự. Mặt khác Trung Quốc có thể phải chứng kiến Nhật Bản và Mỹ bảo vệ Philippines.

Sự phối hợp của các liên minh sẽ là không có hồi kết, nhưng sự không chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách phải nản chí. Câu hỏi đặt ra là liệu sự mập mờ của Bắc Kinh có mang tính tạm thời hay không?

Mối nguy hiện nay là biện pháp răn đe có thể thất bại trong bối cảnh phức tạp này. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nên rút ra bài học đã xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 6/1950.

Ông Kim Nhật Thành hồi đó đã tính toán rằng, ngay sau khi Ngoại trưởng Dean Acheson rút Hàn Quốc khỏi “chiếc ô phòng thủ” của Mỹ tại châu Á, sẽ không có nước nào bảo vệ Seoul nữa. Nhưng ông ấy đã không ngờ rằng, Mỹ đã bất ngờ quay lại đến cứu Seoul.

Ai cũng biết là sẽ không nước nào hưởng ứng lời ông Lavrov và ông Vương khi hai ông nói rằng các nước khác nên để Trung Quốc một mình, nhất là khi Bắc Kinh dùng các chiến thuật quân sự và ngoại giao hiếu chiến chống lại các nước có tranh chấp khác. Điều này có nghĩa là bất cứ sự cố nào, dù nhỏ hay chỉ là tai nạn, cũng đều có thể bùng phát thành một cuộc đối đầu lớn.

Thảo Linh

Tỉnh táo với trò chia để trị nguy hiểm của Trung Quốc
Gạc ma 1988: Trang sử không được phép lãng quên
Bị phản kháng, TQ chuyển từ hùng hổ sang lu loa
Ngạo ngược gây chuyện với láng giềng, TQ bất cần phải trái