Trong lĩnh vực GDĐH, chúng ta thường chạy theo nhiều tiêu chí để đánh giá giảng viên như bằng cấp và công trình nghiên cứu, nhưng lại không dám đối diện câu hỏi liệu những tiêu chí đó có thực sự đem lại lợi ích cho sinh viên?

>> 'Kẻ lười biếng' có 'đồng bọn'?

>> 'Loạn'... giáo dục?

>> Thầy dạy hay 'thợ dạy'

"Thợ dạy" từ lâu đã trở thành một vấn đề được đề cập nhiều khi bàn về giáo dục đại học ở nước ta hiện nay. Đa số ý kiến đều cho rằng tình trạng giảng viên dạy quá nhiều trong khi không đảm bảo chuyên môn và không tập trung nghiên cứu khoa học sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, có một góc độ khác của vấn đề "thợ dạy" mà người viết cho rằng cần được nhìn nhận khách quan và công bằng hơn.

"Thợ dạy" cần được nhìn nhận đầy đủ

Trước hết, phải thừa nhận rằng nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên hiện nay được đặt nặng hơn các nhiệm vụ khác, và tình trạng dạy nhiều sẽ còn kéo dài do số lượng sinh viên ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, có thực sự số giờ giảng của giảng viên quá tải đến mức báo động?

Theo Thông tư 36/2010/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 29/1/2011, giờ chuẩn tối thiểu của giảng viên là 260 giờ/năm học. Cần lưu ý rằng giờ chuẩn được tính phụ thuộc vào quy mô lớp học, bậc học và việc tính giờ chuẩn không phải chỉ bằng số giờ giảng dạy mà còn được quy đổi qua một số hoạt động như hướng dẫn thực hành, thực tập, khóa luận tốt nghiệp. Cho nên, số giờ đứng lớp của giảng viên theo quy định không phải quá nhiều như nhiều người tưởng.

Với một lớp học khoảng 120 sinh viên, sau khi giảng một môn học 45 tiết, thì giảng viên có thể đạt 60 giờ chuẩn. Như vậy, chưa kể các quy định về quy đổi các hoạt động thành giờ chuẩn và giảm trừ giờ chuẩn thì giảng viên chỉ cần dạy khoảng bốn lớp với quy mô như trên là đủ số giờ chuẩn tối thiểu cho một năm học. Số giờ vượt so với quy định đều được thanh toán riêng.

Như vậy thành thực mà nói, ngay cả khi phải dạy gấp đôi số giờ tối thiểu, giảng viên cũng không đến mức không có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học và tự bồi dưỡng kiến thức. Hơn nữa, hoàn toàn có thể giảm số giờ giảng mà giảng viên phải đảm nhận thông qua một cơ chế tuyển dụng hợp lý.

Bởi vậy, người viết cho rằng việc giảng dạy nhiều chưa phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới tình trạng "thợ dạy" mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có tuyển chọn và đào tạo giảng viên, cũng như ý thức của bản thân đội ngũ giảng viên.

Bản thân vấn đề "thợ dạy" cũng cần được nhìn nhận một cách đầy đủ hơn. Người viết xin được kể lại hai câu chuyện nhỏ mà mình đã trải qua. Thời ĐH, có một môn học mà giảng viên là một vị tiến sĩ có uy tín khoa học cao, tu nghiệp nhiều năm ở nước ngoài.

{keywords}

Muốn dạy hay, dạy tốt cần phải có sự rèn luyện. Ảnh minh họa

Thế nhưng từng giờ giảng của vị tiến sĩ này trôi qua nặng nề, u ám và hầu như sinh viên không hiểu được nội dung bài giảng. Một ngày, một giảng viên khác chỉ có học vị thạc sĩ vào lớp dạy thay. Cũng những nội dung đó nhưng bài giảng sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn hơn hẳn, không khí lớp học thay đổi hoàn toàn...

Sau này, khi học cao học ở nước ngoài, một lần người viết nhận được đề cương môn học với phần giới thiệu cho biết giảng viên là một GS nổi tiếng sẽ từ Mỹ qua dạy. Tài liệu học tập chủ yếu đều do vị GS này trích từ các cuốn sách và công trình nghiên cứu của mình. Chúng tôi đều ấn tượng với lối viết mạch lạc, sắc bén và háo hức chờ những tiết học với ông. Nhưng không thể ngờ được rằng, vị GS này khi giảng lại những điều trong sách do chính mình viết ra lại ấp úng, lắp bắp khiến cho mấy mươi học viên chúng tôi vô cùng mệt mỏi.

Muốn hiểu dụng ý của người viết khi kể lại hai câu chuyện này, xin hãy đặt mình vào vị trí của người học. Dù nói rằng sinh viên có nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu nhưng không thể phủ nhận việc sinh viên tiếp thu một phần lớn kiến thức từ giảng viên.

Không dám đối diện

Bởi thế, sinh viên rất cần những người thầy có khả năng truyền đạt kiến thức. Trên giảng đường, sinh viên không cần biết vị giảng viên kia có phải GS đầu ngành hay đã viết bao nhiêu cuốn sách, mà quan tâm tới việc người đó trong tư cách người dạy có làm cho người học hiểu được bài giảng và khơi gợi được sự yêu thích với môn học hay không.

Một người giảng viên biết truyền tải kiến thức và cảm hứng sẽ khiến sinh viên yêu thích và khuyến khích sinh viên tìm hiểu sâu hơn về môn học. Trong khi những giờ giảng buồn chán sẽ giết chết ngay từ đầu hứng thú của sinh viên. Nói như vậy để thấy rằng, trong GD, dù ở bậc học nào, trong hay ngoài nước, chúng ta vẫn cần những người dạy hay, dạy tốt.

Muốn dạy hay, dạy tốt ngoài yếu tố năng khiếu, cần phải có sự rèn luyện. Như một ca sĩ muốn hát hay thì phải luyện thanh. Một giảng viên muốn giảng hay cũng phải dạy đủ nhiều, để rút kinh nghiệm nhằm truyền tải được nội dung tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất cho từng đối tượng học viên. Bởi thế, nhìn từ góc độ lợi ích của người học, thì "thợ dạy" ở khía cạnh này chưa hẳn đã hoàn toàn là dở.

Người viết cho rằng "thợ dạy" bản thân nó không đáng sợ, cái đáng sợ là "thợ dạy" kém. Bởi lẽ người thợ tài hoa có thể trở thành nghệ nhân, còn người thợ vụng thì sẽ phá hỏng tất cả. Cách tiếp cận vấn đề này tự nó đã mang rất nhiều hàm ý. Sẽ không có người thợ nào trở thành nghệ nhân nếu không tìm tòi, mày mò, bỏ tâm huyết vào từng đường bào thớ gỗ.

Và cũng sẽ không có người "thợ dạy" nào dạy hay, dạy tốt nếu như kiến thức không vững, không hiểu rõ vấn đề mình đang giảng dạy, không trăn trở về những điều mình mong muốn truyền thụ. Đây đó trên giảng đường vẫn còn những giảng viên thiếu kiến thức và tinh thần học hỏi, hoàn thiện nhưng người viết cho rằng sớm muộn gì họ cũng sẽ bị đào thải khỏi guồng máy phát triển.

Thiết nghĩ, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải phân biệt những người thợ kém năng lực với những người thợ lành nghề, cần mẫn. Trong lĩnh vực GDĐH, chúng ta thường chạy theo nhiều tiêu chí để đánh giá giảng viên như bằng cấp và công trình nghiên cứu, nhưng lại không dám đối diện câu hỏi liệu những tiêu chí đó có thực sự đem lại lợi ích cho sinh viên?

Bản thân cách hiểu NCKH hiện nay của chúng ta vẫn rất hẹp, thu gọn trong việc viết những bài báo, những công trình các cấp. Hãy nghiêm túc thử đặt câu hỏi rằng, với thực trạng nghiên cứu của chúng ta hiện nay có bao nhiêu báo cáo, đề tài được đưa vào giảng dạy, ứng dụng hay chỉ chờ nghiệm thu rồi xếp vào thư viện?

Đương nhiên một nền GDĐH mạnh nhất thiết phải đẩy mạnh NCKH, nhưng nhất định đó không phải là thứ khoa học theo phong trào. Thiết nghĩ phải có cái nhìn khác đi với vấn đề NCKH để có cơ chế thúc đẩy nó hiệu quả hơn. NCKH trong trường ĐH không thể chỉ được đánh giá thông qua số bài báo, đề tài được nghiệm thu mà phải thể hiện qua chất lượng giảng dạy.

Bài học từ sự ra đi của nghệ sĩ Văn Hiệp mới đây đã chẳng để lại cho chúng ta nỗi day dứt về việc đánh giá sự cống hiến của người nghệ sĩ dựa trên bằng khen, giải thưởng đó hay sao?

Một người giảng viên cần cù đọc, nghiên cứu, sắp xếp tài liệu thuộc môn học mình giảng dạy, tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy và thường xuyên liên hệ với doanh nghiệp để cập nhật thực tiễn đưa vào những bài giảng được sinh viên yêu thích, nhưng không viết báo cáo, không làm đề tài các cấp liệu có bị coi là không tích cực NCKH? Một người "thợ dạy" lành nghề và yêu nghề như thế lẽ nào làm cho nền GDĐH trở nên yếu kém?

Một lý thuyết cơ bản của thương mại quốc tế chỉ ra rằng các quốc gia sẽ thu được lợi ích từ việc tập trung sản xuất hàng hóa mà mình có lợi thế tương đối so với quốc gia khác và tiến hành trao đổi.

Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra nếu như vị GS mà người viết đề cập ở trên chỉ nên tập trung vào việc nghiên cứu, viết lách, và có những trợ giảng hoặc giảng viên khác truyền đạt lại những kiến thức của ông hay hơn, sinh động hơn, dễ hiểu hơn? Đương nhiên người được lợi sẽ không chỉ là sinh viên mà còn cả chính ông nữa vì ông sẽ không lãng phí thời gian để làm một công việc hoàn toàn không hiệu quả.

Thông thường như giảng viên ĐH có thể làm tốt cả hai công việc giảng dạy và nghiên cứu, nhưng cũng không nên loại trừ giải pháp sẽ có bộ phận chuyên sâu hơn về nghiên cứu và bộ phận tập trung vào việc truyền thụ kiến thức. Điều quan trọng là bộ phận truyền thụ kiến thức phải là những người thực sự có khả năng lĩnh hội và truyền đạt, có điều kiện trao đổi chuyên môn và là cầu nối giữa sinh viên với bộ phận chuyên sâu về nghiên cứu.

Nên nhớ rằng cũng giống như nghệ thuật, khoa học không nên chỉ vị khoa học mà còn phải vị nhân sinh. Nếu tri thức chỉ nằm yên trong tháp ngà mà không tới được với người học thì nền GDĐH sẽ không thể khởi sắc.

Bởi vậy, cần có cái nhìn đầy đủ hơn về vai trò của những người "thợ dạy" chân chính trên giảng đường để họ có thể trở thành những người thầy dạy theo đúng nghĩa.

Khương Duy