Hơn 12.000 tỉ đô la tài sản đã bị tuồn ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, cất giấu tại những nơi trú ẩn tránh thuế (tax haven), gây ra những tác hại khủng khiếp cho các nước nghèo, báo The Guardian (Anh) trích dẫn một nghiên cứu khoa học gần đây, cho biết.

Doanh nhân lọt hồ sơ Panama không đồng nghĩa xấu xa

Dự án nghiên cứu kéo dài 18 tháng, do Giáo sư James S. Henry của Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện theo yêu cầu của Mạng Công bằng Thuế khóa (Tax Justice Network). Ông Henry từng là nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tư vấn quốc tế McKinsey. Phần phân tích của Giáo sư Henry dựa trên những số liệu được thu thập và kiểm tra chéo với nhau, từ các tổ chức tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới... Qua phân tích, báo cáo phát hiện có một sự gia tăng mạnh mẽ dòng tài sản chảy ra nước ngoài từ các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc.

Tài sản chảy ra nước ngoài: bỏ phiếu bằng chân

Báo cáo cho biết tại thời điểm cuối năm 2014, các công dân Nga có 1.300 tỉ đô la Mỹ gửi ở nước ngoài, con số này của công dân Trung Quốc là 1.200 tỉ đô la Mỹ. Thái Lan, Malaysia và Indonesia - những quốc gia có các vụ tham nhũng đình đám mới bị phanh phui gần đây - nằm ở các vị trí rất cao trong danh sách các nước có làn sóng tài sản chạy ra nước ngoài. Các quốc gia giàu dầu mỏ như Nigeria và Angola, Brazil, Argentina ở Nam Mỹ, cũng là những nguồn xuất phát dòng tiền chảy ra nước ngoài. Tính bình quân, theo Giáo sư Henry, khối tài sản cất giữ ở nước ngoài của công dân các nước đang phát triển gia tăng với tốc độ 8% mỗi năm, riêng với Trung Quốc và Nga tốc độ này là 9%, “có lẽ vì người dân lo ngại sự bất ổn về kinh tế và chính trị; họ thực hiện bỏ phiếu bằng chân”, ông Henry nói.

Phần lớn khối tài sản khổng lồ này được cất giấu dưới vỏ bọc “quỹ đầu tư”, tài khoản bí mật, công ty bình phong... ở những nơi có mức thuế thấp, bảo mật cao đối với hoạt động và danh tính nhà đầu tư, phổ biến nhất là ở các vùng lãnh thổ ít nhiều “tự trị” như quần đảo Virgin Islands thuộc Anh (BVI), Cayman Islands, thậm chí ở cả những nền kinh tế phát triển như Singapore, Hà Lan, Ireland, Mỹ...

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu, trốn thuế không phải là động cơ duy nhất khiến người giàu ở các nước đang phát triển tuồn tài sản ra nước ngoài; các tội phạm, nhóm khủng bố, rửa tiền, buôn bán ma túy và quan lại tham nhũng cũng sử dụng các công ty vỏ bọc để cất giấu tài sản ở nước ngoài an toàn và bí mật, tránh bị chính phủ của nước họ phát hiện và tịch thu.

Thảm họa cho nước nghèo

Đáng lưu ý là, tỷ lệ tài sản giấu ở nước ngoài so với tổng tài sản tư nhân của các nước đang phát triển cao hơn rất nhiều lần so với ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Juan Pablo Bohoslavsky - chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về Nhân quyền và Nợ nước ngoài - và của Giáo sư Thomas Pogge, Giám đốc Chương trình Công lý toàn cầu Đại học Yale, chỉ ra rằng, trong khi các nước Bắc Mỹ chỉ có 2% tài sản tư nhân cất giấu ở nước ngoài thì con số này của châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh là hơn 30%. Nếu như ở các nước phát triển, làn sóng tài sản chảy ra và cất giấu ở nước ngoài gây nên những tác động nghiêm trọng về kinh tế và chính trị thì ở các nước đang phát triển, nó gây ra những thảm họa.

Dẫn số liệu của tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu GFI - một cơ quan đã dành nhiều năm nghiên cứu và lượng hóa dòng chảy tài chính bất hợp pháp trên toàn thế giới, Tổ chức Cứu trợ Công giáo (Christian Aid) ước tính mỗi năm các nước phát triển thất thoát khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ, nhiều gấp 8 lần số vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà các nước này nhận được. Ngoài ra, nếu số tài sản này được đánh thuế đầy đủ và minh bạch theo luật pháp của các quốc gia, chính phủ các nước nghèo sẽ thu thêm được 160 tỉ đô la tiền thuế mỗi năm, nhiều hơn số vốn ODA đổ vào các nước này trong năm 2015 (131 tỉ đô la Mỹ) và số tiền đó có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Oxfam - một tổ chức cứu trợ uy tín trên toàn cầu, các nước châu Phi thất thu thuế mỗi năm khoảng 14 tỉ đô la Mỹ - số tiền này đủ để chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em để cứu sống khoảng 4 triệu trẻ em trong một năm, và đủ để trả lương cho giáo viên để tất cả trẻ em châu Phi được đi học. “Hàng triệu người nghèo nhất trên thế giới sẽ tiếp tục là nạn nhân của nạn trốn thuế cho tới khi chính phủ các quốc gia cùng hành động để xóa bỏ các điểm trốn thuế, bằng cách thành lập hệ thống đăng ký công khai đối với người sở hữu thực sự của các công ty và quỹ, cũng như xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin tự động về thuế giữa các quốc gia”, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành của Oxfam Quốc tế, cảnh báo.

Thế giới cần hành động

Việc phanh phui “Hồ sơ Panama” gần đây cho thấy quy mô và sự tinh vi của hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài và trên thế giới có hàng ngàn công ty chuyên thực hiện các dịch vụ che giấu tài sản cho những kẻ giàu có như Công ty Mossack Fonseca, nguồn xuất phát hồ sơ này.

Vào thứ Năm, ngày 12-5, Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về tham nhũng do Chính phủ Anh đăng cai sẽ diễn ra tại London với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị của hơn 40 quốc gia cũng như các đại diện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trước sự kiện này, đã có rất nhiều tiếng nói trên khắp thế giới lên án sự tồn tại của các tax haven và đòi hỏi các chính phủ hành động để xóa bỏ chúng. “Chúng ta không cần đến Hồ sơ Panama để biết rằng nạn tham nhũng thuế toàn cầu thông qua thiên đường thuế đang lan rộng. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng hệ thống toàn cầu dối trá này cần phải sớm chấm dứt. Đây chính là ý nghĩa của quản trị nhà nước tốt nhằm thực hiện cam kết toàn cầu về phát triển bền vững”, Giáo sư Jeff Sachs, Giám đốc Viện Nghiên cứu trái đất thuộc Đại học Columbia, cố vấn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, nói.

Trong lá thư thống thiết của hơn 300 nhà kinh tế hàng đầu thế giới gửi tới lãnh đạo quốc gia toàn cầu để cảnh báo và thúc giục chấm dứt các “điểm trú ẩn tránh thuế” cũng như hoạt động tài chính bí mật ở nước ngoài khẳng định mạnh mẽ: “Sự tồn tại của các điểm trú ấn tránh thuế không đem lại sự giàu có hay cuộc sống tốt đẹp trên toàn cầu, cũng như không đem lại lợi ích kinh tế. Những hệ thống luật pháp này rõ ràng đem lại lợi ích cho nhiều cá nhân giàu có và công ty đa quốc gia. Lợi ích này chính là sự mất mát của những người khác và từ đó làm gia tăng bất bình đẳng”.

“Vụ Hồ sơ Panama mở ra cơ hội thật sự để tiến hành cải cách”, Giáo sư Juan Pablo Bohoslavsky nhận định. Vấn đề còn lại là các chính phủ phải có hành động dứt khoát trước khi quá muộn, trước khi sự bất bình đẳng xã hội biến thành những làn sóng bạo lực nhấn chìm mọi thiện chí canh tân.

Chuyển giá - một cách trốn thuế

Các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng phương thức chuyển giá để tránh nghĩa vụ nộp thuế ở quốc gia mà họ kinh doanh. Giả sử tập đoàn có công ty mẹ (A) đặt tại chính quốc, cung cấp nguyên vật liệu cho các công ty con (B) tại các nước đang phát triển. Để tối đa hóa lợi nhuận, tập đoàn sẽ lập ra một công ty bình phong/công ty vỏ bọc (C) tại một điểm tránh thuế nào đó. Công ty C sẽ mua nguyên liệu từ công ty A với giá rẻ rồi bán cho công ty B với giá cao; hàng hóa nguyên liệu sẽ được vận chuyển trực tiếp từ A đến B song phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về C, đăng ký ở một tax haven với mức thuế rất thấp. Ở chính quốc, công ty A sẽ đóng thuế thấp do lợi nhuận thấp vì bán nguyên liệu giá rẻ cho C; còn ở các nước đang phát triển, phần thuế cũng thấp, thậm chí miễn thuế vì B kinh doanh không có lãi do nguyên liệu nhập khẩu từ C với giá cao.

Báo The Guardian nêu trường hợp tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh Quốc vào năm ngoái 2015 đã không đóng đồng tiền thuế nào nhờ tất cả lợi nhuận, khoảng 3 tỉ bảng Anh, đều được thực hiện thông qua một công ty bình phong đặt tại Hà Lan. Một báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết, một nhóm công ty ở 26 nước giàu đã kê khai lợi nhuận mà họ thu được ở Bermuda - một tax haven - nhiều hơn lợi nhuận thu được tại thị trường Trung Quốc trong năm 2014. Nhiều công ty liên doanh, tập đoàn nước ngoài ở Việt Nam liên tục báo lỗ và không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho đến khi nhà đầu tư chuyển nhượng doanh nghiệp cho đối tác khác với giá hàng tỉ đô la Mỹ thì công chúng mới ngỡ ngàng thì đã muộn.

Thái Bình (TBKTSG)

Doanh nhân lọt hồ sơ Panama không đồng nghĩa xấu xa