Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể nắm giữ chìa khóa để cung cấp lương thực cho thế giới.

Theo giới nghiên cứu, dân số toàn cầu được dự kiến sẽ chạm mốc 8 tỷ người trong vòng 12 năm. Đến năm 2050, con số này sẽ đạt 9 tỷ người. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể nắm giữ chìa khóa để cung cấp lương thực cho số lượng người chưa từng có này.

Một báo cáo hồi cuối năm 2017 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) nói rằng, toàn bộ khu vực ASEAN tăng năng suất nông nghiệp với tốc độ trung bình hàng năm là 2,2%/năm kể từ năm 1991.

Động lực chính là việc sử dụng đất tăng lên. Trên khắp khu vực Đông Nam Á, đất nông nghiệp tăng gần 40% từ năm 1980 đến năm 2014. Trong khi những thay đổi này góp phần tăng thu nhập cho những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với những tác động tích cực đến giảm nghèo đói và an ninh lương thực, sự mở rộng này cũng không thể không tính đến chi phí đáng kể đối với môi trường.

Một yếu tố quan trọng khác là vai trò của nghiên cứu và phát triển nông nghiệp và các hệ thống đổi mới. Những điều này sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với tương lai của phát triển nông nghiệp trong thập kỷ tới, bởi khối lượng cao hơn được yêu cầu khi nguồn tài nguyên lại khan hiếm hơn.

{keywords}
Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (AMAF+3) lần thứ 18. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngoại trừ Malaysia, các quốc gia Đông Nam Á có xu hướng tương đối kém đối với nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, sự tiếp cận của nông dân đối với tài chính và chất lượng cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Kết quả cho thấy, so với các ngành khác, ngành nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á thực sự chưa được cung cấp đầy đủ hàng hóa công cộng và các dịch vụ kinh tế khác.

Một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho rằng, nhu cầu lương thực toàn cầu có thể tăng tới 40% đến năm 2050. Và ASEAN có tiềm năng trở thành giỏ thực phẩm của thế giới. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, cần có một nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo các mục tiêu cùng có lợi được thực hiện.

Bởi vậy, chủ đề an ninh lương thực cũng là nội dung đã được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (AMAF+3) lần thứ 18 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội nghị này, các Bộ trưởng đã nhận định những cơ hội và thách thức của ASEAN và các nước thành viên, trong đó có sự cần thiết phải tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng, nhất là trong bối cảnh dân số và nhu cầu thực phẩm của khu vực cũng như toàn cầu đang ngày một gia tang; Bên cạnh đó, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc thực hiện Thỏa thuận dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận APTERR; Đồng thời, ghi nhận việc thực hiện chương trình Kênh 3 của Thỏa thuận, đặc biệt đối với chương trình Tiền xác định do Nhật Bản và Hàn Quốc đóng góp cho Campuchia, Lào, Myanmar và Philippines....

{keywords}
Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới sinh kế và an ninh lương thực khu vực, đồng thời nối tiếp các nội dung hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trong thời gian qua, dự kiến một số nội dung ưu tiên trong nhiệm kỳ 2018 – 2019 của AMAF, như sau:

- Tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực.

- Hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công tư trong sản xuất nông ngư nghiệp, tăng cường vai trò của cộng đồng và khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.

- Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Đẩy mạnh hợp tác khuyến nông, khuyến ngư trong khu vực thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.

Tiến Anh- Nguyễn Hồng Thơ