ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thống nhất về một dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong cuộc họp của khối tại Singapore.

Tuy nhiên theo Straits Times, đây mới là dự thảo đầu tiên và sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và cập nhật trong các cuộc họp kế tiếp.

Ngay sau cuộc họp với chương trình làm việc liên quan tới các tranh chấp hàng hải trên Biển Đông tại Singapore hồi tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi thôn tin với báo chí về thỏa thuận giữa ASEAN và Bắc Kinh về dự thảo đàm phán đã gọi kết quả này là bước đi mới và quan trọng cho các cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

“Nếu loại bỏ được các yếu tố gây cản trở từ bên ngoài, việc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử sẽ được đẩy nhanh và tiến xa hơn. Trung Quốc và ASEAN có đủ khả năng để đạt được sự ổn định và hòa bình tại khu vực Biển Đông. Chúng tôi đủ sáng suốt để đạt được đồng thuận về bộ quy tắc trong khu vực”, ông Vương Nghị nói với các phóng viên.

{keywords}
Các ngoại trưởng ASEAN tham dự phiên họp bộ trưởng Ngoại Giao - Quốc Phòng của khối, từ 04 đến 06/02/2018, tại Singapore. REUTERS/Calvin Wong

Theo ngoại trưởng Singapore, Balakrishnan, để có được bước tiến này, các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã bắt đầu từ tháng 3 và cả ASEAN và Trung Quốc đã đi đến dự thảo đầu tiên trong các cuộc đàm phán được tổ chức từ hai tháng trước tại Trung Quốc.

Theo ông Balakrishnan, hợp tác ASEAN - Trung Quốc đã tiến triển tốt trong 3 năm gần đây. Các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đều nỗ lực để thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Tuy nhiên những ai theo dõi tình hình khu vực đều hiểu rằng, “dự thảo mới đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc không có nghĩa là các cuộc đàm phán đã kết thúc, hay các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông đã được giải quyết vì bộ quy tắc ứng xử này “không mang ý nghĩa giải quyết tranh chấp lãnh thổ”. Điều đó có nghĩa là vẫn còn quá sớm để đặt ra hạn chót cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử vì điều đó còn phụ thuộc vào bối cảnh không ngừng thay đổi.

Giới quan sát từng cho rằng việc nhấn mạnh cần phải đạt được đồng thuận về COC được Trung Quốc xem là chiến thuật trì hoãn để xoa dịu chỉ trích nhằm vào các hoạt động quân sự hóa của họ tại các thực thể bồi lấp trái phép trên Biển Đông.

Được ký từ năm 2002, DOC kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy vậy, cả ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn đẩy mạnh cam kết chung trên Biển Đông bằng một bộ quy tắc ứng xử.

Phải đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu đàm phán với ASEAN về COC. Do những căng thẳng tăng cao ở Biển Đông, khi các cuộc thảo luận bắt đầu vào đầu năm 2014, một số thành viên ASEAN đã nhiều lần kêu gọi xúc tiến các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phải cho tới sau khi Tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết lịch sử vào ngày 12/7/2016 thì Trung Quốc mới đồng ý đẩy nhanh đàm phán bởi 2 lý do. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng sự chỉ trích ra khỏi việc nước này bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài và thay vào đó tạo dựng hình ảnh một đối tác biết hợp tác. Thứ hai, phản ứng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với phán quyết.

Năm 2016, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông, tiếp đó thiết lập một đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông.

Nửa đầu năm 2017, các quan chức ASEAN và Trung Quốc đã gặp gỡ 3 lần để thảo luận COC. Tại cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (JWG-DOC) ở Bali, Indonesia, ngày 27/2, hai bên đã nhất trí về phác thảo cơ bản của dự thảo khung. Một phiên bản 1 trang dài hơn sau đó đã được thảo luận tại JWG-DOC lần thứ 20 ở Siem Reap, Campuchia, vào ngày 30/3/2017. Phiên bản này đã được sửa đổi chút ít trong các cuộc họp SOM-DOC ở Quý Dương vào tháng 5.

{keywords}
Ngoại trưởng ASEAN tham dự phiên họp bộ trưởng Ngoại Giao - Quốc Phòng của khối, từ 04 đến 06/02/2018, tại Singapore. REUTERS/Calvin Wong

Tháng 8 năm nay, tại Singapore, các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thống nhất về một dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Kết quả này, hẳn khiến nhiều người nhớ lại, Ian Storey, nghiên cứu viên cấp cao và chủ biên tạp chí Đông Nam Á Đương đại, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS –  Yusof Ishak Institute), Singapore khi bình luận về dự thảo khung đã quả quyết, bất chấp những thiếu sót của nó, việc ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo khung này là một bước tiến trong tiến trình giải quyết xung đột kéo dài 2 thập kỷ đối với Biển Đông. Tiến về phía trước, dự thảo khung sẽ tạo thành nền tảng của các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC. Tuy nhiên, nếu quá khứ là phần mở đầu, thì tiến trình này có khả năng bị kéo dài và gây nản lòng, đặc biệt đối với những nước Đông Nam Á muốn có một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, toàn diện và hiệu quả được thực thi nhanh nhất có thể.

Không thể phủ nhận, quá trình đàm phán COC là một cuộc trường trinh thực sự khó khăn với nhiều vật cản. Bởi vậy, việc ASEAN và Bắc Kinh đã đạt được thống nhất về một dự thảo đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chính xác là “một cột mốc mới” trong tiến trình xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Diên Vỹ - Vũ Thị Huyền