{keywords}
ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương vừa tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác trong một số lĩnh vực cùng có lợi.

Tái cam kết tiếp tục hợp tác

Quan hệ hợp tác ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương có tiềm năng phát triển to lớn, về lâu dài có thể đóng vai trò “cầu nối” hai bờ Thái Bình Dương. Liên minh Thái Bình Dương là một sáng kiến hội nhập khu vực bao gồm các quốc gia Chile, Colombia, Mexico và Peru.

Quan hệ giữa ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương được khởi đầu tháng 9/2014 trên cơ sở kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-PA lần thứ nhất tổ chức bên lề Khoá họp thường niên lần thứ 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-PA lần thứ 2 (tháng 9/2015), hai bên đã nhất trí thăm dò hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, du lịch, văn hoá, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và giao các Đại sứ tại ASEAN bàn biện pháp thực hiện cụ thể.

Tại cuộc gặp lần thứ tư giữa Ủy ban đại diện thường trực tại ASEAN và Nhóm quan hệ đối ngoại của Liên minh Thái Bình Dương được tổ chức tại Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia hồi mới đây, ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương đánh giá những tiến triển trong việc thực hiện Kế hoạch công tác Liên minh ASEAN - Thái Bình Dương giai đoạn 2017-2018 được thông qua vào tháng 9/2017 đồng thời nhất trí tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại; thương mại điện tử; doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); giới tính và văn hóa; cứu trợ thiên tai; tăng trưởng xanh; và trao đổi công chúng thông qua giáo dục và du lịch. Hướng tới mục tiêu này, hai tổ chức đã đồng ý gia hạn thời gian thực hiện Kế hoạch công tác (Work Plan) cho đến tháng 12/2019. Cuộc họp cũng đồng ý trao đổi thông tin về các sáng kiến chính trong tổ chức của nhau nhằm tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Việt Nam và Liên minh Thái Bình Dương

Việt Nam và bốn nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru nằm trong khu vực hiện được đánh giá là động lực của tăng trưởng toàn cầu với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và bốn nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru liên tục tăng ở mức trung  bình từ 15-20%/năm, năm 2016 đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 50% tổng giá trị trao đổi thương mại của Việt Nam với khu vực Mỹ Latinh.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương không ngừng được củng cố thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế của lãnh đạo cấp cao. Các cơ chế hợp tác như Ủy ban Hỗn hợp, Tham khảo Chính trị được duy trì thường xuyên. Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương còn hợp tác tốt trên nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu, bảo trợ xã hội, nông nghiệp, du lịch,hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thôg, y tế giáo dục…

Không chỉ có quan hệ hợp tác tốt đẹp trên bình diện song phương, Việt Nam và các thành viên Liên minh Thái Bình Dương còn cùng nhau tham gia nhiều cơ chế liên khu vực như Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…

Xây dựng một khu vực hội nhập sâu sắc

Liên minh Thái Bình Dương được thành lập năm 2011 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thươmg mại, đầu tư giữa các nước thành viên (Chile, Colombia, Mexico và Peru).

Sau hơn 7 năm hình thành và phát triển, Liên minh Thái Bình Dương (AP) đã nhanh chóng có những bước phát triển quan trọng và ấn tượng trong tiến trình liên kết khu vực trên nhiều lĩnh vưc: các thành viên của Liên minh đã quyết định miễn thị thực cho công dân của nhau từ tháng 11/2012, công bố Quỹ hợp tác chung của Liên minh, từng bước đưa Hiệp định Thương mại tự do của Khối vào hiệu lực.

Mục tiêu của Liên minh Thái Bình Dương là: Xây dựng một khu vực hội nhập sâu sắc, hướng tới lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, các nguồn lực và con người tự do; Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và cạnh tranh hơn nữa các nền kinh tế của các nước thành viên, tập trung vào việc đạt được sự ổn định, khắc phục sự bất bình đẳng kinh tế xã hội và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của người dân; Trở thành một khu vực ổn định, hội nhập kinh tế và thương mại với thế giới, với sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Liên minh này được đánh giá là “cường quốc” kinh tế thứ 8 và là khu vực xuất khẩu thứ 8 trên toàn thế giới. Ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, Liên minh Thái Bình Dương chiếm 37% GDP, chiếm 50% tổng thương mại và thu hút 45% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dân số của Liên minh Thái Bình Dương chủ yếu là dân số trẻ và là lực lượng lao động có trình độ, đồng thời là một nhóm khách hàng có sức mua tăng trưởng liên tục.

Cho đến nay, các nước thành viên của Liên minh Thái Bình Dương đã cắt giảm thuế đối với 92% dòng sản phẩm và dịch vụ, tương đương hơne 12 ngàn sản phầm giao thương, tiến tới giam 100% thuế vào năm 2033. Với thị trường gần 220 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt trên 16 ngàn USD, với tầm nhìn xa và nỗ lực mở rộng liên kết giữa Liên minh với các nước trong và ngoài khu vực, Liên minh Thái Bình Dương đang ngày càng khẳng định vị trí của mình không chỉ ở khu vực Mỹ Latinh mà còn ở châu Á – Thái Bình Dương.

Các nước này còn là nơi hội tụ các công nghệ mới, với lực lượng lao động có tay nghề, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ chiếm tỷ trọng lên tới 70% GDP toàn cầu vào năm 2050.

Đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nhanh, mạnh và vượt trội của khu vực châu Á – Thái Bình Dương thời gian gần đây chính là sự liên kết và hợp tác sâu rộng giữa các nền kinh tế trong khu vực, trong đó, hợp tác ASEAN - Liên minh Thái Bình Dương là một minh chứng sinh động.

Khánh Lynh - Nguyễn Hồng Thơ