Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, phương thức đầu tư công - tư là một trong các phương thức cốt lõi để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hợp tác công – tư

Phát biểu thảo luận về việc thực hiện Tầm nhìn mới trong nông nghiệp đến năm 2050, tại Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á (GAF), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng, phương thức đầu tư công – tư là một trong phương thức cốt lõi để thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững, thực hiện được mục tiêu từng quốc gia về nông nghiệp.

Cụ thể, thảo luận về việc thực hiện Sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra năm 2009, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm vai trò rất quan trọng của nhiều quốc gia, do đó Tầm nhìn mới trong nông nghiệp là “trúng”.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường.

 Để cụ thể hóa tầm nhìn này, từ năm 2010 Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân thông qua các Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) ngành hàng trong Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những thành tựu của các Nhóm công tác PPP ngành hàng tại Việt Nam

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ với các vị lãnh đạo ASEAN tham dự diễn đàn GAF,  Đến nay, PSAV đang triển khai thành công 7 Nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.

Trên 7 nhóm ngành hàng, cho đến nay thực hiện qua gần 10 năm Việt Nam đánh giá bước đầu rất tốt ở chỗ: Thứ nhất, khai thác được tiềm lực về mặt tư bản; thứ hai tổ chức quản trị một cách chặt chẽ; thứ ba, nâng cao được thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo ra chuỗi nông sản theo ý đồ chúng ta mong muốn là sạch, hiệu quả, phân phối lợi ích đều giữa người nông dân, doanh nghiệp và tổ chức thương mại toàn cầu..

Những thành tựu của các Nhóm công tác PPP ngành hàng cụ thể như sau:

Nhóm công tác PPP về Chè đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc lồng ghép hướng dẫn kỹ thuật canh tác và chế biến nâng cao chất lượng chè Việt Nam xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia trong Nhóm công tác PPP về chè đã đầu tư 440.000 Euro để đào tạo và liên kết mô hình sản xuất với hơn 23.000 nông dân ở 6 tỉnh; đào tạo doanh nghiệp về chứng chỉ Rainforest Alliance (RA), trong đó có 18 doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ RA; cung cấp hơn 32.000 tấn chè sản xuất bền vững cho thị trường xuất khẩu; tăng sản lượng chè tươi thu hoạch lên 20% so với trước khi tham gia tập huấn; tăng thu nhập lên 113% cho nông dân trồng chè. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Bộ tài liệu Đào tạo Bền vững Quốc gia cho ngành chè, thiết lập và vận hành thành công các tổ đội nông nghiệp để kiểm soát việc sử dụng các yếu tố đầu vào hợp lý.

{keywords}
Các diễn giả tham gia Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á 2018. Ảnh: VGP

Nhóm công tác PPP về Cà phê đã triển khai được tổng cộng 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai); đem lại tác động tích cực đến 130 nghìn ha (20% tổng diện tích gieo trồng cà phê cả nước); năng suất cà phê vườn mẫu tăng thêm 17% (trong giai đoạn 2015 - 2016); thu nhập trung bình của người nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%; mô hình giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón hợp lý.

Nhóm công tác PPP về Hồ tiêu và gia vị đã triển khai tập huấn cho hơn 120.000 nông dân về sản xuất hồ tiêu bền vững và hoàn thiện Bộ tài liệu Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu bền vững. Nhóm cũng đang xúc tiến việc thành lập Ban điều phối ngành hàng hồ tiêu hỗ trợ tham mưu về điều phối hoạt động và nguồn lực của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu tại Việt Nam.

Nhóm công tác PPP về Thủy sản đã hỗ trợ xây dựng 25 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, 74 liên kết đầu vào và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, trong năm 2018 cũng có thêm 2 chương trình mới bắt đầu đi vào hoạt động, hỗ trợ giải quyết các vấn đề IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không được quản lý), truy xuất nguồn gốc, quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.

Nhóm công tác PPP về rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng, từ năm 2010 đã hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác; sử dụng giống FL2215; FL2007  kháng bệnh và ưu điểm vượt trội của 2 giống này so với các giống khác là trồng được cả trong mùa mưa (đến nay, 2 giống khoai tây FL2215 và FL2007 của Công ty PepsiCo đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống khoai tây mới và được phổ biến trong sản xuất); sử dụng hệ thống tưới phun sương làm tăng năng suất khoai tây của người nông dân trong dự án PepsiCo tại Lâm Đồng lên gấp gần 3 lần (năm 2007 năng suất là 7 - 8 tấn/ha, năm 2017 năng suất 22 tấn/ha và năm 2018 năng suất 24 tấn/ha). Năm 2017 đã sử dụng 5.131 tấn khoai tây trong nước phục vụ sản xuất tại nhà máy của PepsiCo.

Nhóm công tác PPP về Lúa gạo, mặc dù mới được thành lập vào cuối năm 2017 nhưng hoạt động của Nhóm đã có những kết quả tốt. Đã có một số dự án thí điểm được triển khai tại địa phương như dự án của Công ty Bayer phối hợp cùng Vinafood2 và dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính do SNV hỗ trợ. Dự án của Bayer mới ở giai đoạn bắt đầu trong khi dự án do SNV thực hiện đã mang lại những hiệu quả tích cực về năng suất, chất lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các dự án mới ở giai đoạn thí điểm với quy mô khiêm tốn.

Nhóm công tác PPP về Hóa chất nông nghiệp là nhóm xuyên suốt phối hợp với các Nhóm công tác PPP ngành hàng khác như chè, hồ tiêu và gia vị, cà phê giải quyết các vấn đề quản lý sử dụng hóa chất trong các ngành hàng, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện các bộ tài liệu quốc gia về sản xuất bền vững chè, hồ tiêu, cà phê, lồng ghép nội dung về hóa chất nông nghiệp; biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn thành lập tổ đội bảo vệ thực vật tập trung” để nhân rộng mô hình này lên toàn ngành chè; xây dựng ứng dụng “Phần mềm tra cứu thuốc BVTV”. Phần mềm này được kì vọng sẽ cung cấp thông tin giúp cho người nông dân, các đại lý kinh doanh thuốc BVTV và các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và hợp lý.

Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp, dự kiến năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD về nông sản. Nếu làm tốt từ vùng nguyên liệu đến chế biến, tổ chức thị trường và sâu chuỗi lại từ người nông dân với doanh nghiệp, với tập đoàn thì giá trị còn tăng nhiều.

Điều đó chứng tỏ, phương thức cốt lõi để phát triển nông nghiệp bền vững là hợp tác công – tư. Đây sẽ là một trong những chìa khóa, giải pháp căn cơ nhất thực hiện tầm nhìn của WEF về nông nghiệp.

Tiến Anh - Nguyễn Hồng Thơ