Đứng trước xu thế cạnh tranh về việc làm sẽ ngày càng khốc liệt hơn, Việt Nam đã, đang và sẽ phải làm gì để được hưởng số lượng việc làm tăng thêm từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN?

Một trong những thỏa thuận đáng chú ý của Cộng đồng kinh tế ASEAN là các lao động trẻ, có trình độ sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia.

Xét ở hai luồng dịch chuyển, luồng thứ nhất, người nước ngoài đến Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn bởi với người nước ngoài, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về mặt đời sống, văn hóa, ẩm thực, bối cảnh kinh tế còn mới mẻ, nhiều cơ hội, vấn đề là chế độ mà doanh nghiệp Việt Nam dành cho họ có đồng bộ được với mặt bằng chế độ của doanh nghiệp các nước. Có nhiều ngành, nhân sự cấp trung và cao vẫn đang có nhu cầu về nhân lực người nước ngoài, cụ thể như quản lý nhà hàng, khách sạn, những môi trường có tính sáng tạo cao như các công ty quảng cáo, digital marketing…

Ở chiều thứ hai, dịch chuyển từ nhân lực Việt Nam ra các nước, cũng là điều không dễ. Bởi, nhân lực Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn chưa phải là sáng giá.

{keywords}
Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh TTXVN

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, số lượng việc làm tại Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 14,5% vào năm 2025. Điều đáng nói là số lượng việc làm của từng quốc gia có thể tăng lên nhưng chưa chắc người lao động tại chính quốc gia đó đã được hưởng nếu như họ không đáp ứng được yêu cầu của giới chủ sử dụng lao động.

Theo đánh giá của ILO, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam mới đạt gần 3,8 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á được khảo sát (trong khi Hàn Quốc đạt 6,9 điểm; Ấn Ðộ đạt 5,8 điểm; Malaysia đạt 5,6 điểm; Thái Lan là 4,9). Tỷ lệ lao động chất lượng cao, sự thành thạo công nghệ, trình độ tiếng Anh, năng suất lao động và cả chỉ số cạnh tranh nhân tài của lao động Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Mới đây, kết quả thu thập thông tin về nguồn nhân lực và dịch chuyển lao động tại 4 địa phương là Ðồng Nai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cho thấy, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều, trong đó tỷ trọng của trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp dưới 50% tổng số lao động cùng với chỉ số phát triển con người (HDI) khá thấp so với các nước ASEAN 6 và không cao hơn đáng kể so với nhóm CLM (Campuchia, Lào, Myanmar). Chỉ số HDI của VN là 0,638 trong khi của Singapore là 0,901 và Myanmar là 0,524.

Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Chẳng hạn, chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở VN đặc biệt các thành phố lớn, rất ít lao động VN học các thứ tiếng Thái Lan, Lào, Campuchia hoặc tiếng của các nước ASEAN khác. Cho nên, khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới khó khăn. Ngoài ra, vấn đề kỷ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục.

{keywords}
Ảnh:asean.org

Chia sẻ thêm về việc nhiều lao động trẻ có tay nghề đạt chuẩn AEC của Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường lao động các nước, ông Phan Anh Sơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế và đối ngoại nhân dân cho biết, Cộng đồng AEC cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề, nhưng mỗi ngành nghề, ở mỗi quốc gia lại có những điều kiện riêng. Trong khi đó, khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại khoảng cách. Người lao động muốn dịch chuyển giữa các quốc gia ngoài kỹ năng chung theo khung chuẩn ASEAN cần có thêm kỹ năng kỹ thuật của riêng từng nước.

Thực trạng này cho thấy, để có thêr biến thách thức thành cơ hội, để tăng số lượng lao động Việt Nam dịch chuyển được trong AEC và thích ứng được với cách mạng công nghiệp 4.0 thì không có cách nào khác, bản thân người lao động động ngoài bổ sung  kỹ năng chung theo khung chuẩn ASEAN cần có thêm kỹ năng kỹ thuật của riêng từng nước. Bên cạnh đó, nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho giới trẻ về hội nhập kinh tế ASEAN; Đào tạo nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo cho giáo dục; Nâng cao năng lực cán bộ, công nhân viên.

Theo thông tin từ phía giới chủ, các kỹ năng tương tác, đàm phán, thuyết phục, tư duy phê phán, lãnh đạo, giải quyết xung đột, các kỹ năng dịch vụ chăm sóc khách hàng... sẽ là những kỹ năng cơ bản bảo đảm cho sự phát triển của thị trường lao động ASEAN. Ngoài ra, các bên liên quan, gồm chính phủ, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục - đào tạo cần bảo đảm để lực lượng lao động hiện tại và tương lai của khu vực nắm bắt được các kỹ năng cần có ngoài những kiến thức kỹ thuật thuần túy.

Diên Vỹ - Vũ Thị Huyền