– Quy trình tiêm chủng được quy định rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tại các điểm tiêm chủng, kể cả tiêm dịch vụ, thì quy trình này đang được thực hiện không đầy đủ, khâu giám sát cũng lỏng lẻo tạo ra những lỗ hổng trong tiêm chủng. Thực tế, cả cán bộ y tế lẫn người dân đều phớt lờ an toàn tiêm chủng.

Bỏ qua nhiều khâu quan trọng


Dịch vụ tiêm vắc xin cho trẻ hiện đang quá tải khiến cho nhiều khâu quan trọng trong tiêm phòng đã bị bỏ qua.

{keywords}
Người dân xếp hàng ở bàn đón tiếp tại TT Y tế dự phòng Hà Nội. Các bước khám sàng lọc rất quan trọng nhưng hầu như bị bỏ qua. Sau khi lấy phiếu, đóng tiền, trẻ thường được tiêm ngay (Ảnh: N.A)

Khám phân loại trước khi tiêm là khâu đầu tiên cần thực hiện. Cán bộ y tế phải kiểm tra nhiệt độ, hỏi đầy đủ những thông tin như: Trẻ đã tiêm những vắc-xin gì, phản ứng trước đây sau tiêm vắc-xin có gì đặc biệt, sức khỏe hiện tại của trẻ có tốt không, trẻ bú bình thường không, có tiền sử dị ứng nào, …

Hôm nay họp hội đồng kỷ luật y tá tiêm thiếu vắc xin

Sáng nay (14/5), Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ họp hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức kỷ luật đối với y tá Bùi Thị Phương Hoa – người đã tiêm thiếu vắc xin cho trẻ, gây bất bình trong dư luận.

Trước khi hội đồng này họp một ngày, vào ngày13/5, một phụ huynh khác cũng tố chính y tá Hoa đã tiêm thiếu vắc xin cho con chị trong ngày tiêm 10/3.

Ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đã nhận được văn bản tường trình của phụ huynh thứ hai nghi ngờ việc “ăn bớt” văcxin tại phòng tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh.

Ông Cường cho biết đã giao Trung tâm xác minh nghi vấn trên.

Điểm tiêm chủng không phải nơi khám chữa bệnh nhưng nếu những thông tin thu thập được khiến cán bộ y tế nghi ngờ trẻ mắc bệnh cấp tính hay có phản ứng mạnh từ mũi tiêm trước thì họ sẽ ngừng tiêm hoặc có tư vấn phù hợp.

Tuy nhiên, tại các điểm tiêm chủng (kể cả tiêm dịch vụ ở Nguyễn Chí Thanh, Hàng Bài) thì khâu này rất qua loa, thậm chí có nhiều trường hợp còn bị bỏ qua vì quá đông.

Theo quan sát của phóng viên tại trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) thì sau khi đăng ký, lấy phiếu, cha mẹ đưa trẻ vào bàn tiêm.

Lúc này, cán bộ tiêm đã chuẩn bị sẵn kim tiêm, lấy sẵn vắc xin (theo quy định phải lấy vắc xin trực tiếp từ lọ trước mặt phụ huynh), chờ trẻ vào là thực hiện tiêm chủng, hầu như không có khám phân loại.

Nguy cơ tai biến đối với trẻ sau tiêm chủng có thể kéo dài trong 24 giờ nhưng trẻ sẽ bị sốc, phản ứng mạnh nhất ở thời điểm xảy ra sớm là 30 phút sau khi tiêm. Do đó, việc theo dõi trẻ tối thiểu sau 30 phút tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết nhưng cũng không được thực hiện chặt chẽ.

Trung tâm có dán thông báo cha mẹ ở lại theo dõi 30 phút sau tiêm rồi mới đưa con về song không ai giám sát việc này, phụ huynh cứ vô tư đưa con về sau 5-10 phút tiêm và không được nhắc nhở, dặn dò cẩn thận.

Rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng

Trước việc giám sát tiêm chủng hiện đang lỏng lẻo, gây ra nguy cơ cao đối với sức khỏe của trẻ và làm phát sinh những sự việc như việc tiêm thiếu vắc xin vừa xảy ra, vào chiều qua (13/5), lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan.

DIỄN BIẾN VỤ "ĂN BỚT" VẮC XIN

Vụ ăn bớt vắcxin: Tiêm cho trẻ thuốc pha sẵn nghi dồn

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cần rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự ... đúng quy định về quản lý, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị,

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân chủ động phối hợp giám sát các khâu của quy trình tiêm chủng cùng với cán bộ y tế để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng.

Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra quy trình tiêm chủng chuẩn gồm 6 bước để người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện quy trình tiêm chủng của nhân viên y tế.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết sau sự việc vừa qua, Trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh hoạt động của 3 phòng tiêm trên toàn thành phố để khắc phục những tồn tại đang diễn ra.

Sự việc y tá tiêm thiếu vắc xin cho trẻ gây phẫn nộ, bất bình trong dư luận, Thường trực Thành ủy HN ra công văn yêu cầu ngành y tế Thủ đô xử lý nghiêm những cá nhân liên quan.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá việc nhân viên y tế thực hiện không đúng quy trình và tiêm không đủ liều vắc xin cho trẻ là việc làm thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng xấu đến hoạt động tiêm chủng của ngành y tế thành phố.

Quy trình tiêm chủng

(Theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội để người dân cùng chủ động phối hợp giám sát)


1. Tiếp đón: Khách hàng qua bàn tiếp đón để xếp thứ tự

2. Khám phân loại: Đo nhiệt độ, hỏi tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm chủng các mũi tiêm trước, tình trạng sức khoẻ hiện tại (nếu trẻ đang sốt hoặc đang nhiễm trùng cấp tính thì hoãn tiêm lần này)

3. Tư vấn, chỉ định tiêm chủng đúng loại vacxin, liều lượng, đường tiêm theo lứa tuổi, thời gian, tiền sử tiêm chủng

4. Nhập số liệu quản lý vào hệ thống máy tính

5. Thu tiền theo hoá đơn, phát tích kê loại vacxin theo đúng chỉ định

6. Thực hiện thao tác tiêm:


- Xem sổ tiêm đối chiếu với tích kê, lấy thuốc

- Thông báo cho khách hàng tên vacxin, vị trí tiêm, đường tiêm, liều lượng tiêm

- Pha hồi chỉnh (nếu có)

- Sát trùng nơi tiêm

- Tiêm chủng

- Bỏ bơm kim tiêm vào hộp an toàn, vỏ lọ vacxin vào túi lưu 14 ngày theo đúng quy định, chỉ trả vỏ hộp cho khách hàng với loại vacxin có vỏ hộp riêng cho từng liều tiêm

- Hướng dẫn khách hàng các phản ứng sau tiêm thường gặp và cách xử trí

- Theo dõi 30 phút sau tiêm tại khu vực tiêm chủng.

N.Anh