Đụng vào các di tích ấy sự cẩn trọng vẫn mãi là chưa đủ, mà còn phải thành tâm, thành ý, phải thật sự đồng hành, đồng điệu, đồng cảm với tâm thức của sự thiêng liêng…

Trả lời báo chí về việc "ngôi cổ tự tuyệt bích - Chùa Trăm Gian" có gần 1.000 năm tuổi bị đục, phá "làm mới" cho tan hoang, 1 quan chức cao cấp của ngành văn hóa cho rằng "Các chân tảng của chùa vẫn còn... nguyên, gỗ thì vẫn thế thôi. Làm lại thôi chứ... có gì đâu" mà phải làm to chuyện (Đất Việt, 29.8.2012)!

Đâu chỉ là chuyện của một ngôi chùa

Sững sờ vì câu nói mai này dễ trở thành... bất hủ ấy, người đọc cả nước còn phải choáng váng khi nhận ra rằng, đó không chỉ là chuyện của Chùa Trăm Gian, mà hình như đã trở thành "triết lý" quản lý hành chính của thời nay?

Bởi, hầu như ai cũng biết rằng, chuyện cứ làm đi, có sai thì làm lại- "no star where"- từ lâu, đã trở thành 1 "thói quen tai họa", 1 nếp hằn sâu trong vô thức và 1 cung cách làm không dễ gột rửa trong ngày một, ngày hai..

Nếu chỉ vì công tác bảo tồn  di tích mà phá đi để làm mới cho kiên cố hơn, chắc chắn hơn bằng các cách thức công nghệ hiện đại thì có lẽ, trên thế giới này chẳng còn 1 di tích cổ nào nữa! Tại sao những người có trách nhiệm về di sản văn hóa nước nhà không hiểu rằng người Ý có thừa khả năng và tiền của nhưng họ vẫn để cho Đấu trường Colliséum cứ mãi "tan hoang" 2/3 di tích như thế?


Hiện tại việc thi công hai hạng mục nhà Tổ và gác Khánh tại di tích chùa Trăm Gian đã bị đình chỉ.

Cái lẽ giản dị nhất của cuộc đời này là cái ít còn qua thời gian; cái độc đáo không ai có, không dễ gì bắt chước; cái chứng tích, bí ẩn mà 1 vài đời không thể giải mã đủ.... Đó chính là những điều làm nên cái hồn, cái tinh chất lấp lánh về văn hóa, thẩm mĩ, lịch sử của cả 1 dân tộc, giống nòi.

Đụng vào các di tích ấy sự cẩn trọng vẫn mãi là chưa đủ, mà còn phải thành tâm, thành ý, phải thật sự đồng hành, đồng điệu, đồng cảm với tâm thức của sự thiêng liêng...

Những bài học đau đớn về phá hoại cổ vật, di tích nhiều như... số cán bộ có trách nhiệm của ngành văn hóa. Xin dẫn ra vài dẫn chứng.

Người ta từng phá hủy 1 cái Đàn Tế có vị thế cao nhất trong tâm linh, minh triết của cả 1 triều đại, 1 thời kỳ lịch sử chỉ để trồng cho được vài ba tạ sắn(?) Người ta cũng đã từng phá hủy cả 1 đền miếu thờ lễ - học ngay giữa thành phố Nha Trang chỉ để "có" đất xây trạm y tế?

Một lãnh đạo của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận kể cho người viết bài này nghe rằng sau khi trục vớt các cổ vật ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, có đem một số đi bán đấu giá ở nước Anh: Chỉ cần cạo xác hàu bám trên 1 cái đĩa sứ thời Minh- Thanh, giá của nó giảm cả trăm lần! Tuổi của xác hàu cho ta biết gần đủ tuổi của cổ vật (X+Y).

Giám định 1 vài phân tử từ cái vỏ hàu dễ lắm và, chỉ cần bằng mắt thường cũng định lượng gần đúng giá trị của thời gian.

"Làm mới" một cách cẩu thả, vô trách nhiệm, thiển cận đồng nghĩa với việc phá hủy "nhân chứng" lịch sử, phá hủy mọi vết tích của thời gian, phá hủy luôn cả những "thông điệp" mà người xưa nhắn gửi người thời nay.

Cái gì cũng... làm lại

Những năm gần đây, có vô số điều được làm lại đắng ngắt. Hầm Thủ Thiêm chưa nghiệm thu nhưng đã được "làm lại" các vết rò rỉ nước bằng keo dán của... tàu con thoi(?)

Đập thủy điện Sông Tranh cũng đang được hành xử theo cách tương tự. Hố tử thần trên công trình 1.000 năm Thăng Long phải làm lại vì... mưa, bất kể trận mưa đầu mùa ấy chẳng đáng kể chút nào. Đường cao tốc Sài Gòn- Trung Lương chưa nghiệm thu xong đã lún, đã nứt...

Chuyện công trình giao thông thì thế, chuyện chính sách ở tầm vĩ mô hơi cao cao thì còn tai họa nữa. Trước hết là ngành giáo dục. Mang danh, đeo nặng cái "tầm" của tinh hoa, trí tuệ nhưng mấy chục năm qua đã có biết bao lần làm lại sách giáo khoa?

Chỉ mỗi cái đề thi và đáp án thôi mà sai đi, sai lại hoài và cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường tiền thuế của dân đem đi đổ sông, đổ bể. Tại sao giáo dục của thời đại mới lại coi trẻ em- tương lai dân tộc như... chuột bạch để "thí điểm" (thí nghiệm) các chương trình đào tạo?

Chúng ta có thể kiếm lại một số tiền bị mất. Nhưng chắc chắn không thể làm lại "thời gian" cho một di tích văn hóa; không thể làm lại cái giá trị "vô giá" của những di sản cha ông để lại.

Và cũng không thể "làm lại" sự thiển cận và kém năng lực của 1 con người vì Đức Bodhidharma đã dạy rằng, trong vũ trụ này có 3 điều chẳng tiền nào mua được: Thời gian sống trên cõi đời, sự chân thành và... hiểu biết!

Tại sao không chịu bê nguyên xi các môn học tự nhiên, phổ cập toàn thế giới ở các trường học đã thành công trên hàng chục nước về áp dụng, khỏi phải "thí nghiệm" mất công?

Câu trả lời chỉ có một mà thôi: Vẽ rắn thêm chân đang trở thành thói thường của xã hội.

Vụ việc Chùa Trăm gian cho thấy, nếu cán bộ quản lý văn hóa không đủ trình độ thẩm thấu giá trị của văn hóa thì câu chuyện của ngôi chùa này, và vô vàn ngôi chùa khác có giá trị di tích văn hóa lịch sử quốc gia vẫn chưa đến hồi kết.

Chúng ta có thể kiếm lại một số tiền bị mất. Nhưng chắc chắn không thể làm lại "thời gian" cho một di tích văn hóa; không thể làm lại cái giá trị "vô giá" của những di sản cha ông để lại.

Và không thể "làm lại" sự thiển cận và kém năng lực của 1 con người vì Đức Bodhidharma đã dạy rằng, trong vũ trụ này có 3 điều chẳng tiền nào mua được: Thời gian sống trên cõi đời, sự chân thành và... hiểu biết!

Thịnh Hà