- Tin tưởng ở quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương chắc chắn rằng vụ làm lộ bí mật nhà nước sẽ được làm đến nơi đến chốn.

Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, vừa có lời khai rúng động về người báo tin cho ông ta chạy trốn trước khi có lệnh khởi tố vụ án, rồi quá trình đưa hối lộ hàng trăm ngàn USD để chạy tội. Lời khai của Dương Chí Dũng đã góp phần dẫn đến một vụ án mới, vụ án "làm lộ bí mật nhà nước".

{keywords}
Nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương: Tội làm lộ bí mật quốc gia về vụ án để tội phạm chạy trốn là tội rất lớn. Ảnh: H.Anh

Trao đổi với VietNamNet, nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ TƯ Nguyễn Đình Hương khẳng định: "Tội làm lộ bí mật quốc gia về vụ án để tội phạm chạy trốn là tội rất lớn, lớn hơn tội nhận hối lộ".

"Cộng thêm nguyên nhân của việc làm lộ bí mật này không phải vì tình cảm gia đình, không phải anh em mà xuất phát từ một cục tiền thì lại càng nghiêm trọng" - ông nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm 57 năm làm công tác tổ chức, ông Hương cho rằng từ lời khai của Dương Chí Dũng, nếu xác định có cơ sở thì thông thường quy trình cần phải làm là "hất mũ" - đình chỉ công tác, yêu cầu ngồi tự kiểm điểm.

"Chúng tôi đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, xem có lộ lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật" - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trả lời tháng 6/2012 trước QH chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng: Tại sao lại để Dương Chí Dũng trốn thoát trước thời điểm tạm giam?

Pháp luật trọng chứng hơn trọng cung, thì trước hết phải đình chỉ công tác mới mong quần chúng đứng lên tố cáo cung cấp bằng chứng. Đây chính là điều mà Chủ tịch TQ Tập Cận Bình làm. Bởi như đúc kết của ông Nguyễn Đình Hương, có 3 tội không ai chịu nhận bao giờ mà luôn chối tới cùng: tội phản bội, tham nhũng và quan hệ nam nữ.

Bước thứ hai, theo kinh nghiệm của ông Hương, là phải lập ban chuyên án để điều tra. Thành viên ban chuyên án đến từ các cơ quan: thanh tra, kiểm sát, ban nội chính... Với thành phần như vậy sẽ không ai "chạy" được án.

Việc thứ ba, đó là phải điều tra tài sản. "Lập ban chuyên án là ra hết", ông Nguyễn Đình Hương nhận định.

"Đảng ta nêu rõ trong đấu tranh chống tham nhũng thì không có vùng cấm. Bộ Chính trị rất quyết tâm trong cuộc chiến này, không làm không được, không làm sẽ có sự chất vấn trong Quốc hội, không làm sẽ có sự chất vấn trong Trung ương, không làm sẽ có sự chất vấn trong nhân dân. Với tinh thần đó, tôi tin chắc là vụ này sẽ được làm triệt để, nhằm củng cố lòng tin của nhân dân", nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ khẳng định.

Đ.Tấn - H.Anh ghi