- Năm năm trước, cậu bé Phạm Bình Minh, 15 tuổi, hằng đêm vẫn phải ngủ trên các đường phố ở thủ đô Hà Nội. 

Cha mất, mẹ quá nghèo, không đủ tiền mua thức ăn hay quần áo nuôi gia đình, Minh đã phải kiếm sống bằng nghề thu lượm và bán phế liệu.

Minh nhớ lại: “Cháu không có thời giờ để kết bạn với ai. Những người bạn cháu có thường rủ cháu đi làm, những việc làm không tốt… Bọn cháu thường đi trấn lột, mọc túi người khác… Cháu sợ một ngày cháu sẽ bị bắt. Cháu sợ người ta sẽ đánh cháu. Cháu thấy không yên”.

Website của quỹ Rồng xanh

Đây là câu chuyện còn quá đỗi phổ biến ở Hà Nội, nơi nhiều trẻ em – thường là các em nghèo từ ngoài thành phố - đến tìm kiếm cơ hội. Nếu may mắn, chúng có thể kiếm được một số việc như đánh giầy hay bán những đồ lặt vặt.

Michael Brosowski - người đứng đầu một quỹ phi chính phủ giúp trẻ em Việt Nam có cuộc sống tốt hơn - cho biết: “Các em thường lên thành phố với hy vọng thoát được cái nghèo đói ở quê, nhưng thường thì chúng chỉ nhận được những thứ xấu hơn mong đợi lúc ban đầu”.

Chính nhờ Quỹ trẻ em Rồng xanh của Brosowski, Minh đã được đến trường, học xong trung học và thi đỗ vào đại học. Từ năm 2004, Rồng Xanh đã giúp hơn 350 trẻ em Việt Nam thoát khỏi cảnh sống đường phố và trở lại trường học.

Brosowski, 37 tuổi, tâm sự: “Công việc của chúng tôi là trước hết đảm bảo các em được an toàn và được bảo vệ. Và sau đó, chúng tôi muốn hướng chúng đến đến một điều gì đó, như giáo dục, tìm việc làm hay cải thiện sức khỏe”.

Một báo cáo năm 2006 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 23.000 trẻ em đường phố. Brosowski cho biết, anh đã gặp nhiều đứa trẻ - có em chỉ khoảng 6 tuổi – ngủ dưới các gầm cầu hay bên gốc gây.

Brosowski kể: “Mẹ đi tù, bố nghiện heroin. Bọn trẻ thường nghĩ: ‘Rồi chắc tương lai của mình cũng vậy’. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao để các em không cam chịu số phận đó – chống lại số phận và xây dựng tương lai cho bản thân”.

Sống đường phố, trẻ em dễ sa vào những cạm bẫy hay gặp phải những mối đe dọa như: bạo lực băng nhóm, đe dọa, buôn bán trẻ em, lôi kéo vào vận các đường dây chuyển mua bán thuốc phiện. Rồng Xanh đã nỗ lực đấu tranh chống lại  những vấn đề này bằng cách hỗ trợ mọi thứ cần thiết để các em thoát khỏi cuộc sống đường phố và tránh xa những cạm bẫy đó. Cần hỗ trợ cho các em chỗ ở an toàn, thức ăn, học bổng, đào tạo việc làm và chăm sóc sức khỏe.

Brosowski nói: “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi chỉ là đưa các em trở lại trường học. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng để làm điều đó, chúng tôi phải tạo thu nhập, hỗ trợ lương thực và tạo chỗ ở nữa. Thực tế, chúng tôi phải quan tâm tới tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của các em”.

Anh nói trong cuộc phỏng vấn: “Khi chúng tôi bắt đầu hoạt động năm 2002, những đứa trẻ này hầu hết đều là các em trai từ các khu vực nghèo. Và các em ra thành phố để kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Cha mẹ các em gần như không đủ tiền để cho tất cả các con đi học, và thậm chí không thể mua đủ thức ăn”.

Michael Brosowski  trên phóng sự của CNN. (Nguồn clip: CNN)



Ở Hà Nội, trung tâm của Rồng Xanh phát lương thực, quần áo, mở lớp và tạo không gian vui chơi và giúp trẻ em đường phố được tiếp cận với máy tính. Mỗi em đến với trung tâm được hỗ trợ bởi một nhân viên công tác xã hội nhiệt tình và được tiếp cận với các nhà tâm lý, nhà tư vấn, thầy cô giáo, và luật sư.

“Từng đứa trẻ một, chúng tôi phải tìm hiểu xem chúng tôi có thể làm gì và chúng cần gì”.

Bên cạnh trung tâm tại Hà Nội, Rồng Xanh còn có 3 cơ sở khác ở Việt Nam để giúp đỡ trẻ em đường phố và những người sống trong cảnh cùng cực. Được sự chia sẻ của các nhà hảo tâm, quỹ đã hỗ trợ được tổng cộng hơn 2.500 trẻ em nghèo.

Brosowski, một người Úc, đến Việt Nam năm 2002 để dạy tiếng Pháp cho một số trường đại học. Sau vài tháng, anh gặp không ít trẻ em đường phố đánh giầy và cảm thấy rất cảm thương cho hoàn cảnh của các em. Anh làm quen với chúng và bắt đầu dạy chúng học, với sự giúp đỡ của một số sinh viên của mình.

Michael Brosowski  trên phóng sự của CNN. (Nguồn clip: CNN)


  • Đình Ngân (Theo CNN)