Bộ NN-PTNT cho biết, đến nay, cả nước đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu từ 200 ha trở lên, với 6.336 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, gần 16.000 đập dâng kiên cố các loại (không bao gồm đập dâng nước hồ chứa), gần 12.000 trạm bơm điện có tổng lưu lượng từ 1000 m3/h trở lên, trên 290.000 km kênh mương các loại.

Trong đó, công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng gồm: 3.957 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000÷500.000 m3, 15.900 đập dâng kiên cố có chiều cao nhỏ hơn 10m, 16.000 đập tạm, gần 10.000 trạm bơm có tổng lưu lượng từ 1.000÷3.600 m3/h, 174.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng.

Ngoài ra, còn hàng ngàn ao, hồ có dung tích nhỏ hơn 50.000 m3, trạm bơm có tổng lưu lượng nhỏ hơn 1000 m3/h và các công trình trên kênh khác.

{keywords}
Hệ thống thuỷ lợi ở nông thôn đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp 

Tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên phạm vi cả nước là 288.620 ha (đạt 17.5%). Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mạnh như: Đông Nam bộ (chiếm 40%), Tây Nguyên (27%), Đồng bằng sông Cửu Long (18%).

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, việc triển khai áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa (SRI, Nông-Lộ-Phơi, Khô ướt xen kẽ…) đã được triển khai trên 40 tỉnh, thành trong phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của địa phương, đến nay, tổng diện tích gieo trồng lúa áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên phạm vi cả nước là 1.320.118 ha (đạt 18%).

Cả nước có 16.800 Tổ chức thủy lợi cơ sở, bao gồm 04 loại hình chủ yếu là: Hợp tác xã có 6.674 đơn vị gồm Hợp tác xã nông nghiệp có dịch vụ thủy lợi (6.432) và Hợp tác xã dùng nước (242), chiếm 40% tổng số;Tổ hợp tác có 7.767 đơn vị (chiếm 46%); UBND xã trực tiếp quản lý có 1.479 đơn vị (chiếm 9%); Ban quản lý thủy nông có 880 đơn vị (chiếm 5%).

Tính đến tháng 10 năm nay, cả nước có 8.269 xã (92,9%) đạt tiêu chí Thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Điều này góp phấn tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Bởi, Việt Nam vốn là nước có thế mạnh về nông nghiệp nên có hệ thống thuỷ lợi đồng bộ sẽ kéo theo việc thúc đẩy sản xuất phát triển nông nghiệp ngày một toàn diện, đem lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất.

Bài: Hoàng Tư Giang - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Văn Hùng - nhóm PV