Đó là một trong những vụ án thường gặp tại các phiên tòa. Và, một vụ án khác từng làm người viết day dứt, đó là vụ Trần Vĩnh Th., quê gốc Long An, sinh sống tại TPHCM. Cha làm thợ xây, vì một tai nạn mà mất sức lao động, chỉ có thể làm việc lặt vặt ở nhà.
Từ lúc Th. lớn lên đã thấy mẹ mình là người đảm đương hết mọi việc lớn trong nhà: Buôn gánh bán bưng đủ các mặt hàng, rồi chạy chợ, vậy mà bà chu toàn từ việc học của Th đến thuốc men bồi bổ cho cha Th.
Một vụ con đánh ghen giúp mẹ mới xảy ra gây xôn xao dư luận. |
Rồi ông nội Th. mất, di chúc lại cho cha Th. hai công ruộng, cha Th. đem cho người ta thuê trồng cây ăn trái, lấy tiền theo tháng. Cuộc sống dần xông xênh, dễ chịu hơn. Thế nhưng, cha Th. dường như chẳng nghĩ gì đến công lao vất vả của vợ gánh vác gia đình, chăm nom mình hàng chục năm trời, có tiền trong tay, cha Th. bắt đầu "đổ chứng".
Đầu tiên là cha Th. hay nhậu nhẹt với mấy gã lười lao động cùng xóm. Sau là theo bọn họ đi đến mấy cái "động" ở vùng ven. Sau đó, cha Th. cặp kè với một cô gái bia ôm còn nhỏ tuổi hơn Th.
Để có tiền "bao gái", cha Th. bán một công ruộng, chỉ cho thuê có một công. Tiền bán ruộng ông thuê cho "vợ bé" một phòng trọ lịch sự làm tổ ấm, sắm sửa cho cô ta xe tay ga, vàng đeo đầy người.
Những người quen biết chuyện đem kể cho mẹ con Th. Hai mẹ con lặn lội đến tận nơi chứng kiến căn nhà trọ của cô gái bia ôm kia còn đầy đủ tiện nghi hơn cả ngôi nhà của Th. Tội nghiệp cho mẹ Th., bao năm gồng gánh gia đình bà không ca thán một lời, nhưng khi biết chồng ngoại tình, ba suy sụp hoàn toàn.
Nhìn mẹ nằm bệnh trên giường còn cha thì đi hú hí với nhân tình, Th. căm phẫn. Có lần, Th. đã tâm sự, nói chuyện với cha, mong cha nghĩ lại mà thương mẹ và gia đình, nhưng Th. chỉ nhận được sự lạnh nhạt, chửi bới từ người cha. Ông ta chối phắt mọi chuyện mình làm và còn vu cho Th. là "dựng chuyện bôi bác cha mẹ".
Đỉnh điểm là khi Th. nghe tin cha mình chuẩn bị bán nốt công ruộng còn lại để mua nhà cho nhân tình. Miếng ruộng ấy, mẹ Th. từng nói để dành làm vốn cho Th. và chị gái sau này học đại học rồi ra làm ăn.
Trong lòng bừng bừng lửa giận, Th. cãi nhau với cha, không xoay chuyển được cha mình, Th. vác dao chạy đến căn phòng trọ kia. Ban đầu, ý định của Th. chỉ là hăm dọa cho cô gái kia sợ mà buông cha mình ra, nhưng gặp phải "hạng gái giang hồ", lu loa chửi bới, xúc phạm cả Th. lẫn mẹ Th. Th. xông vào chém cô ta.
Th. chỉ sực tỉnh sau khi thấy cô gái kia gục xuống. May mắn thay, cô gái kia không chết, nhưng thương tật vĩnh viễn với tỉ lệ khá cao. Th. nhận án 5 năm tù giam khi đang trong thời gian ôn tập, chuẩn bị thi vào một trường cao đẳng. Những nhát dao của Th. cũng trở thành vô ích khi cha và mẹ Th. vẫn tan vỡ hạnh phúc, đường ai nấy đi. Cha Th. không qua lại với cô gái bia ôm kia nữa, những lại có nhân tình khác...
Kim Thư (quận 10, TPHCM) khác với các trường hợp nói trên, cô bé có một người cha hết sức đàng hoàng, chuẩn mực. Cha cô bé là chủ một cửa hàng kinh doanh tư nhân. Mẹ Thư được ba cô bé cưng chiều hết mực, chỉ ở nhà phụ người giúp việc làm nội trợ và làm đẹp.
Cô bé cũng từng có một gia đình êm ấm, hạnh phúc trước khi nó đột ngột chao đảo. Lý do là có người thứ ba xuất hiện trong cuộc sống vợ chồng của cha mẹ Thư. Tình cờ, Kim Thư phát hiện mẹ mình ngoại tình, mà bàng hoàng hơn là ngoại tình với... gia sư của Thư.
Gã thầy giáo có cơ hội ra vào trong nhà, đã tiếp cận và tấn công mẹ Kim Thư để rồi người đàn bà ít ra ngoài, ít tiếp xúc với mọi người nhanh chóng ngã vào vòng tay gã thầy giáo khéo miệng.
Không dám làm ầm ĩ lên vì sợ cha mình biết chuyện, nhưng hết sức lo sợ mái ấm sẽ tan vỡ, cô học trò lớp 11 đã hành xử để bảo vệ gia đình theo cách của mình: Rủ một đám bạn đi hành hung gia sư.
Kết cục là thầy giáo nọ bị đánh gãy tay. Vụ ngoại tình cũng bị phát giác. Sau đó, gia đình hai bên quyết định bồi thường và "ỉm" đi trong âm thầm vì chuyện chẳng đẹp đẽ gì, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự người trong cuộc. Nhưng gia đình Kim Thư cũng chẳng bao giờ được như xưa nữa.
Những câu chuyện như thế, thật không khỏi làm cho người ta xót xa trong lòng. Lỗi lầm gây ra là ở các bậc cha mẹ sống không chuẩn mực, buông mình theo những ham muốn trái đạo đức, trái pháp luật, để rồi những đứa trẻ, những thanh thiếu niên chưa kịp lớn gánh lấy nỗi đau và sự trừng phạt vì những suy nghĩ nông nỗi, xuất phát từ mục đích: Đòi lại hạnh phúc cho gia đình mình.
Hành động của các em chắc chắn là sai. Nhưng bất cứ ai, khi nghe những nguyên cớ đều thông cảm, thậm chí thương cảm cho các em. Xuất phát từ lỗi lầm người lớn, xuất phát từ nhận thức hạn chế của những đầu óc chưa trưởng thành, rỗi nỗi cuống quýt, lo sợ cho mái ấm của mình đã khiến các em thành ra như thế. Có em tránh được sự trừng phạt của pháp luật, cũng có em tương lai đã rẽ sang hướng khác sau những ngày tháng lao tù.
Còn những người làm cha mẹ trên, có người giật mình nhìn lại, nhưng cũng có người chỉ gợn chút áy náy, rồi lại tiếp tục những cuộc vui dở dang của mình, bỏ mặc đứa con bất hạnh và mái ấm tan tành sau lưng...
(Theo Pháp luật Việt Nam)